Thiết bị điện có khả năng tự phục hồi

Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Illinois đang ứng dụng công nghệ tự phục hồi vào các thiết bị điện tử, cho phép chúng có thể tự "vá" những chỗ bị nứt, gãy mà không cần đến sự trợ giúp của con người. Nguyên lý hoạt động của công nghệ này đó là người ta sẽ đặt các hạt có kích thước siêu nhỏ vào trong các thiết bị điện. Bên trong các hạt này chứa một chất kim loại dạng lỏng để khi thiết bị đó bị nứt thì các hạt này sẽ vỡ ra, kim loại lỏng sẽ tràn ra ngoài, đông cứng lại khi tiếp xúc với không khí và vá lỗ hổng đó lại.

Công nghệ tự phục hồi này trước đây từng được ứng dụng trong sản xuất bê-tông và polymer với cách hoạt động tương tự. Còn hệ thống mà các nhà khoa học trên đang phát triển là ứng dụng trong ngành điện tử. Họ cũng đã chế tạo được một hệ thống có khả năng tự động vá mạch điện bị nứt chỉ trong vòng tích tắc.

Đầu tiên, người ta đặt các hạt chứa kim loại lỏng dọc theo bên trên của một dây dẫn điện bằng vàng, các hạt này có kích thước chỉ 10 micromet (0,01 mm). Khi dây dẫn này bị nứt, các hạt đó sẽ vỡ ra và phát tán kim loại lỏng ra bên ngoài, vá lại vết nứt đó chỉ trong vòng có vài phần ngàn của giây. Mặc dù có rất ít các hạt được sử dụng nhưng 90% các mẫu hạt đó có khả năng phục hồi đến 99% độ dẫn điện của dây dẫn.

Công nghệ này có rất nhiều ưu điểm, đầu tiên là người ta không cần phải sửa chữa thiết bị quá thường xuyên nữa. Tiếp theo, nó cũng giải quyết được một khó khăn trong công tác sửa chữa đó là nhiều khi ta không biết máy móc bị hư chỗ nào, thử nghĩ đến việc tìm một sợi dây điện bị nứt trên một chiếc máy bay Boeing 747 xem. Tiếp theo nữa là chúng ta có thể bỏ bớt các thiết bị cảm ứng và chẩn đoán hệ thống, tiết kiệm được chi phí. Các vết nứt nằm những ở chỗ nhỏ hẹp làm ta không tiếp cận được cũng có thể tự phục hồi một cách dễ dàng và sau cùng là nó có thể cứu được một con chip hoặc thậm chí là cả một hệ thống, làm giảm số lượng rác thải điện tử ra bên ngoài và do đó, bảo vệ được môi trường.