|
Vi cảm biến graphene được "xăm" lên răng bò trong thí nghiệm. |
Loại vi cảm biến này được làm từ graphene (loại vật liệu chỉ dày đúng một nguyên tử nhưng siêu bền, dẫn điện cao, gần như trong suốt. Nó là một mạng nguyên tử dạng tổ ong được tạo thành từ các nguyên tử Carbon – ND) với khả năng phát hiện vi khuẩn và truyền thông tin về cho các bác sĩ.
Trong các thí nghiệm, một sinh viên đã thở hơi về phía vi cảm biến (đang được cấy lên răng của một con bò). Gần như ngay lập tức, vi cảm biến này đã dò ra những phân tử vi khuẩn có trong hơi thở.
Trang DailyMail cho biết, với cơ chế truyền dữ liệu không dây, trong tương lai người ta có thể “xăm” những cảm biến tí hon này lên răng để chẩn đoán các mầm bệnh truyền nhiễm có trong cơ thể vật chủ, từ đó cảnh báo cho bệnh viện hay các chuyên gia y tế.
|
"Hình xăm" này sẽ hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm cực nhạy trước mọi mối nguy sức khỏe ở người. |
Chuyên gia Michael McAlpine thuộc Đại học Princeton tin rằng, vi cảm biến graphene cũng có thể được ứng dụng trong quân đội để phát hiện xem vết thương trên cơ thể binh lính đã bị nhiễm trùng hay chưa. Chất liệu graphene tuy siêu mỏng nhưng có tính kết dính cực cao, cộng thêm bề mặt siêu nhạy trước vi khuẩn nhờ được bổ sung thêm một tầng acid peptides. McAlpine hiện đang đăng ký sở hữu bản quyền đối với công nghệ này để có thể sớm thương mại hóa thiết bị.