Như vậy, kết thúc năm 2011, thu hút FDI đã không thể "cán đích" mục tiêu 20 tỷ USD đặt ra.
Khi chất lượng đầu tư được quan tâm
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nguyên nhân vốn FDI giảm một phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, song một phần khác quan trọng hơn là do Việt Nam đã chú trọng hơn đến chất lượng đầu tư. Những siêu dự án "bánh vẽ" với số vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD đã giảm hẳn. Năm 2011, chỉ có 2 dự án có mức vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. "Trong bối cảnh hiện tại không nên quá chú trọng vào vốn đăng ký mà nên quan tâm đến vốn giải ngân" - ông Hoàng nhấn mạnh.
Mặt khác, dù vốn FDI có giảm, nhưng trong sự sụt giảm ấy lại nổi bật lên một tín hiệu đáng mừng. Đó là cuộc bứt phá ngoạn mục của dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Sau nhiều năm đứng sau bất động sản, năm 2011, lĩnh vực chế biến chế tạo đã đứng đầu bảng thu hút FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 7,1 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng, đẩy bất động sản xuống vị trí thứ tư sau nhiều năm liên tiếp giữ vị trí "quán quân". Nếu như năm 2008 được xem là thời hoàng kim của bất động sản với trên 23 tỷ USD (năm 2009 là 7,4 tỷ USD, năm 2010 là 6,8 tỷ USD), thì năm 2011 chỉ còn 845,6 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký trong 12 tháng.
Những số liệu nêu trên cho thấy, luồng vốn FDI năm 2011 bắt đầu đi vào "quỹ đạo" theo Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chưa thể nói đã hết thời kỳ các địa phương "trải thảm đỏ" mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế nhiều nơi đã có sự chọn lọc. Thực tế trong những năm qua, nhiều địa phương đã từ chối nhiều dự án FDI không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, nhạy cảm về môi trường, thu hút quá nhiều lao động như dệt may, da giày… Thậm chí, một số địa phương còn "mạnh tay" rút phép đầu tư những dự án lên đến hàng tỷ USD nhưng chậm triển khai, đặt ra yêu cầu dự án được phê duyệt phải sử dụng công nghệ tiên tiến, đóng góp tốt vào ngân sách.
Vẫn có không ít thách thức
Năm 2012, Cục Đầu tư nước ngoài dự kiến thu hút vốn FDI 15 - 16 tỷ USD vốn đăng ký, và vốn giải ngân đạt 10 - 11 tỷ USD. Và theo kết quả điều tra mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc, đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.
Tuy nhiên, sự sụt giảm dòng vốn FDI trong năm 2011 cũng là một cảnh báo cần được quan tâm đúng mức. Nguy cơ dòng vốn FDI "chảy" sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thay vì vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. TS Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài cho rằng: Indonesia và Thái Lan là những ví dụ điển hình về cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI. Sắp tới có thể Myanmar, Campuchia sẽ là đối thủ của Việt Nam. Khả năng tiếp cận vốn thấp do lãi suất cao, chính sách tài khóa thắt chặt, cùng với chính sách vĩ mô về thuế và đất đai thiếu ổn định… là những thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết: Năm 2012 chúng ta không đặt trọng tâm vào số lượng dự án thu hút mà đặt nhiều hơn vào chất lượng, hiệu quả của các dự án.
Từ định hướng này, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải xây dựng và điều chỉnh một số cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư.