Thủ tướng: Chưa biến thách thức thành cơ hội

Một trong những mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế được đặt ra trong năm 2010 là thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, hình thành những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ, có thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như trên, trong báo cáo kinh tế - xã hội trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII khai mạc sáng nay (20/10).

Mô tả ảnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân... Ảnh: Vân Anh

Theo đánh giá của Thủ tướng, năm nay, Việt Nam đã chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,2%, chỉ số giá tiêu dùng 7%. Bội chi ngân sách bằng 6,9%.

Thủ tướng nhận định, hầu hết doanh nghiệp đều đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, sản xuất phục hồi.

Kinh tế vĩ mô được ổn định trở lại, lạm phát được kiềm chế chỉ bằng 1/3 năm ngoái, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được đảm bảo, người nghèo được quan tâm.

Số tiền chi cho an sinh xã hội ước khoảng 22.470 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm chỉ còn 11%.

Vẫn tăng trưởng theo chiều rộng

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại của nền kinh tế.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Các doanh nghiệp và cả nền kinh tế chưa chuyển mạnh theo hướng biến thách thức thành cơ hội để cơ cấu lại sản xuất.

Công nghiệp tuy đã vượt qua khó khăn, nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Sản xuất nông nghiệp kém bền vững, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác còn rất thấp. Xuất khẩu và du lịch giảm mạnh. Tiêu thụ hàng hoá còn khó khăn.

Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch như chỉ tiêu tạo mới việc làm, xuất khẩu...

Thủ tướng đánh giá, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa vững chắc. Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chưa  linh hoạt, dẫn đến tình trạng găm giữ đô la, gây căng thẳng không đáng có và cán cân thanh toán tổng thể đã bị thâm hụt , trong khi nguồn ngoại tệ của đất nước vẫn dồi dào.

Ưu tiên đầu tư cho các đơn vị tại vùng trọng điểm, biên giới, hải đảo. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết Nghị định thư về phân giới, cắm mốc, hiệp định về quy chế quản lý biên giới và các văn kiện có  liên quan khác với Trung Quốc.
Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Việc quản lý và sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước cũng như vốn trong các doanh nghiệp nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả còn thấp.

Trong khi đó, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa cải thiện, vẫn là điểm nghẽn của tăng trưởng. Môi trường kinh doanh chưa thật thông thoáng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực thấp. Năng lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô còn hạn chế.

Quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo còn bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực thấp. Năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 38%; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn khoảng 51,7%.

Đáng chú ý,  tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng (4,66% so với 4,65% năm 2008). Quản lý nhà nước về lao động, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa tốt. Một số chế độ, chính sách an sinh xã hội triển khai chậm, còn để xảy ra tiêu cực ở một số nơi. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Nạn ma tuý, mại dâm, xâm hại trẻ em còn tăng ở một số địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, kết quả cải cách hành chính còn thấp. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, số lượng khiếu kiện đông người tăng hơn năm 2008 .

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, những hạn chế trên có mặt do tích tụ nội tại của nền kinh tế, cũng có hạn chế phát sinh do tác động trái chiều của các chính sách mới năm nay.

Theo đó, một số cân đối vĩ mô chưa vững chắc, còn tiềm ẩn bất ổn. Bội chi ngân sách 6,9% năm nay chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác.

Nợ Chính phủ tăng cao, năm 2008 khoảng 36,5%, đến năm nay có thể lên tới 40% và năm 2010 dự kiến 44%.

"Nếu không quyết liệt giảm dần bội chi thì nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo", Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng, chất lượng chưa cao. Chỉ số ICOR tăng trên 8 so với 6,66 của năm ngoái.

Mô tả ảnh.
Khai mạc kỳ họp QH thứ 6. Ảnh: Cao Nhật

Đáng chú ý, tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư và quản lý xây dựng cơ bản vẫn là hạn chế của năm 2009. Trong 6 tháng đầu năm, có 4.128 dự án của các ngành, địa phương bị chậm tiến độ, chất lượng thấp, lãng phí...

Cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào bất động sản. Nếu như năm 2007, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ chiếm 25% thì chỉ trong sáu tháng đầu năm đã chiếm tới trên 60%.

Mặc dù Chính phủ nhận định tỷ lệ hộ nghèo năm nay đã giảm xuống còn 11% nhưng theo Ủy ban Kinh tế, mức chuẩn nghèo vẫn chưa được thay đổi trong lúc giá cả đã tăng cao.

Cũng theo Ủy ban này, gói kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn còn nhiều hạn chế. Khu vực nông nghiệp, nông dân chưa được hưởng lợi bao nhiêu, có sự trùng lắp về đối tượng...

2010: Tập trung tái cấu trúc

Một trong những mục tiêu của 2010 được Thủ tướng nhấn mạnh là khẩn trương thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị nội địa của từng sản phẩm cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Theo đó, năm 2010 sẽ phải thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc.

"Coi việc tăng giá trị nội địa và xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc là phương hướng chủ yếu để nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế", Thủ tướng nói.

Các tập đoàn và tổng công ty phải đi đầu trong đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, vẫn cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, từng bước hình thành những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ, có thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát cao và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

 

Các chỉ tiêu chính của kế hoạch năm 2010

Về kinh tế:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931 nghìn tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 1.200 USD.

Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP. Tổng thu ngân sách nhà nước 456,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện 2009.

Tổng chi ngân sách nhà nước 581,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so ước thực hiện năm 2009.

Bội chi ngân sách 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% GDP. Chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.

Chỉ tiêu xã hội:

Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường. Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người: 13,5 m2.

Từ 1/5/2010 sẽ điều chỉnh lương tối thiểu lên 730.000 đồng/tháng.

Môi trường:

83% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 84% dân đô thị được sử dụng nước sạch.

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 70%. Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.

  • Lê Nhung ( Nguồn : Vietnamnet)