Trong những năm qua, cùng với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp Đà Nẵng đã đạt được sự tăng trưởng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được hình thành. Nhiều chính sách của thành phố như Nghị quyết 255/2019/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, … đã định hướng phát triển ngành nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị. Thành phố đã hình thành 02 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao có quy mô tại Hòa Phú, Hòa Ninh với diện tích hơn 03 ha, hình thành 04 vùng chuyên canh trồng hoa, với diện tích 22 ha. Sản xuất nấm đã chú trọng đến công nghệ và kỹ thuật sơ chế, bảo quản để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, sản lượng đạt hơn 200 tấn/năm. Diện tích nuôi tôm nước lợ tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang được duy trì khoảng 30 ha và hiện có trên 150 ha mặt nước ao nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống (trắm, trôi mè, chép), cá điêu hồng, cá tra, cá trê lai, cá thát lát ….tập trung trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều dự án ứng dụng KHCN trong nông nghiệp
Trong sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Với nhận thức đó, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã có sự đầu tư, hỗ trợ thực hiện nhiều đề tài, dự án ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng KHCN có giá trị thực tiễn cao đến với bà con nông dân. Trong giai đoạn năm 2011-2021, Sở đã tổ chức thực hiện 09 dự án thuộc Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi", 21 đề tài cấp thành phố, 76 đề tài cấp cơ sở, mô hình ứng dụng và hơn 100 quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt (sản xuất giống và trồng thương phẩm các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, các loại dưa thơm, rau hữu cơ, các loại hoa, chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho người dân), chăn nuôi (giới thiệu các giống mới về địa phương như các giống bò, dê, thỏ trắng, gà, đà điểu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng thâm canh); phát triển các giống cây, con bản địa… Qua đó, Sở đã góp phần đáng kể trong việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất, các hợp tác xã sản xuất tiêu biểu như phát triển ngành trồng nấm, phát triển vùng trồng bưởi da xanh (từ hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư kinh phí nhân rộng mô hình cho đến hỗ trợ xây dựng thương hiệu) của thành phố.
Các phương pháp kỹ thuật cũng được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các khu vực trồng cây ăn quả, trồng hoa và trồng dược liệu; xây dựng công trình cấp nước bằng bơm va tại xã Hòa Bắc; xây dựng củng cố hệ thống tưới tiêu hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp; điều tra, đánh giá về hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, phân tích các mẫu thổ nhưỡng, nông hóa; phân loại các nhóm đất và đánh giá được chất lượng đất qua các yếu tố cơ bản, từ đó cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Hoạt động phổ biến thông tin kiến thức, tiến bộ KH&CN đến người dân cũng được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác ứng dụng KH&CN vào sản xuất và kinh doanh.
Không chỉ quan tâm đến phát triển sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ còn quan tâm đến đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp xét chọn 18 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao), hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như Gà đồi Hòa bắc, Gà Kê Hòa Sơn, Nấm Hòa Phong, Chuối Thanh Tiêu Hòa Phú, Tôm sấy khô Hòa Liên, … Đồng thời, Sở đang triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Nước mắm Nam Ô và đăng ký được Bộ KH&CN phê duyệt nhiệm vụ cấp quốc gia về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Nước mắm Nam Ô, thành phố Đà Nẵng.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp xét chọn các sản phẩm OCOP
Từ các sản phẩm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp được hình thành, như chế phẩm sinh học đa dụng Minh Hồng, Phở sắn Caromi; sản phẩm Tảo xoắn Spirulina của HTX Mặt Trời Việt, startup H20 FARM cung cấp giải pháp rau sạch cho nhà phố, tư vấn, lắp đặt, chuyển giao hệ thống trồng rau thủy canh thương mại kết hợp ứng dụng IOT trong nông nghiệp… Đối với các dự án khởi nghiệp nông nghiệp, Sở đã hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đầu tư hỗ trợ phát triển sản phẩm. Sở KH&CN cũng đã triển khai các sự kiện kết nối, các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình ươm tạo, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức nhằm nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, tấm gương doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, nông nghiệp thành phố Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển nếu áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất. Với chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp ngày càng sạch hơn, ngon hơn, bổ dưỡng hơn và lạ hơn. Những sản phẩm được quan tâm là những sản phẩm mang tri thức bản địa nông nghiệp địa phương OCOP, các sản phẩm lạ phục vụ thị trường cao cấp, sản phẩm sạch, organic, sản phẩm xanh thân thiện môi trường, các sản phẩm có thể truy vấn nguồn gốc, sản phẩm chế biến nâng cao giá trị và sản phẩm được phân phối thẳng từ người nông dân đến khách hàng. Đồng thời, từ những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đến việc chăm sóc cây trồng do giãn cách, đứt gãy chuỗi cung cấp nguyên liệu - phân phối sản phẩm, bảo quản sản phẩm, …càng thúc dục việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hơn.
Các công nghệ hiện đại mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp
Với sự phát triển của nhiều công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, IoT, data, …, chúng ta có thể áp dụng các công nghệ đó để có thể quan sát, theo dõi, chăm sóc cây trồng theo thời gian thực, các sàn giao dịch điện tử để bán hàng hoá, giao hàng chung để tiết kiệm chi phí, tạo kết nối khách hàng, mạng lưới cung cấp thông qua các nhóm chat zalo, messenger, …, quản lý dữ liệu, phân phối hàng hoá, logictis nhờ cloud, hệ thống GIS, các giải pháp chế biến, bảo quản sản phẩm tiên tiến, …Từ đó, có thể xuất hiện nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp, giúp phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp thành phố.
Việc chuyển giao quy trình công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển nông nghiệp, vào sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp tập trung, chuyên canh; nông nghiệp hữu cơ; hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP từ khâu quy hoạch, sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.
Huỳnh Sang