Thực trạng và đóng góp của đội ngũ trí thức

Nhằm góp phần tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 27), ngày 20/12/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN”. Ủy viên Ban Chấp Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn và Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang chủ trì hội thảo.

Báo cáo đề dẫn của hội thảo cho biết, một số kết quả nghiên cứu và tổng kết thực tiễn bước đầu về công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 đã chỉ ra rằng: dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ/ngành, địa phương ở các cấp đã ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như nhiều chương trình, đề án để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức theo ngành, lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ trí thức đã có đóng góp to lớn đối với phát triển ngành KH&CN, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện, chứng minh rõ nét thông qua đóng góp vào phát triển trong các ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, cụ thể được thể hiện qua một số điểm chính: 1) Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8% (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); 2) Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020; 3) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc (năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia); 4) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển (hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiêp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 ở khu vực ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo); 5) Hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận và khẳng định sự đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN trong các ngành, lĩnh vực như: khoa học xã hội và nhân văn; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong phát triển đội ngũ trí thức hiện nay như: cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành/nghề, độ tuổi, giới tính; đội ngũ trí thức trong các trường đại học, viện nghiên cứu chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước (thiếu các tập thể khoa học mạnh, thiếu cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế và khu vực)…

Để góp phần nâng cao chất lượng, số lượng cũng như đẩy mạnh sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đưa ra một số giải pháp như: ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức (nguồn nhân lực trí thức) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án phát triển đội ngũ trí thức khoa học xã hội Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tuyển dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia KH&CN học tập và làm việc ở trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu đàn trong các lĩnh vực; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp; tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Vũ Hưng

https://vjst.vn/