Công nghệ thử nghiệm èo uột
Nhiều năm nay, các loại thuốc chữa bệnh bán trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài, nhất là các loại chữa bệnh hiểm nghèo. Ngành sản xuất dược phẩm trong nước chỉ sản xuất một số loại thuốc thông dụng, còn lại hầu như chỉ bào chế đóng gói.
Trong khi đó, nhu cầu thuốc chữa bệnh cũng như các loại thực phẩm chức năng hiện nay rất lớn. Một số loại thuốc thông thường đã được sản xuất nhưng cũng chưa đủ đáp ứng. Phó GS.TS Đỗ Trường Thiện, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết Việt Nam có tiềm năng thiên nhiên lớn và quí. Sự đa dạng sinh học này chính là nguồn cung dồi dào nguyên liệu hóa dược. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu công nghệ, nguồn nhân lực đủ sức sản xuất đủ các loại thuốc đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hiện nay, các nhà máy dược chỉ có một phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô nhỏ, thiết bị đơn giản, trùng lắp, lạc hậu; không có thiết bị nâng cấp lô nhỏ (pilot) làm trung gian từ thí nghiệm đến sản xuất thật. Không những thế, tất cả các nhà máy chỉ phát triển thuốc chứ chưa nghiên cứu. Các phòng R&D tự phát triển công thức thuốc theo cách sao chép (copy) mà không đầu tư cho pilot.
Trong khi đó, muốn sản phẩm dược có chất lượng, cạnh tranh được trên thị trường thì không thể bỏ qua công đoạn pilot. Các thiết bị, công nghệ dùng trong hệ thống pilot có cùng thiết kế và cơ chế hoạt động như các thiết bị trong dây chuyền lớn và có khả năng mô phỏng chính xác các công đoạn sản xuất ở quy mô thương mại. Chẳng hạn như muốn sản xuất viên nén, viên bao tốt, hãng dược cần có thiết bị nghiên cứu sản xuất viên nén, viên bao... quy mô 1, 5, 10 kg/lô; thử nghiệm bào chế từ số lượng nguyên liệu khác nhau để chọn công thức chuẩn áp dụng cho chuyền sản xuất lớn.
Hình minh họa. |
Lời giải nào cho bài toán "cầu" công nghệ?
“Pilot là bước đệm trước khi đưa sản phẩm vào thực tiễn sản suất. Nếu thiếu bước trung gian này tất cả các nghiên cứu thường phải cất và chuyển vào kệ”, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ dược Tiến Tuấn nói.
Sản phẩm muốn đạt chất lượng phải thử nghiệm. Tuy nhiên, có những sản phẩm, mặt hàng chỉ sản xuất một vài lần và kiểm nghiệm một vài lần mà phải đầu tư một một hệ thống thì rất tốn kém (hệ thống pilot có giá từ 3 – 8 tỷ đồng). Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt chủ yếu vừa và nhỏ nên vốn đầu tư không nhiều. Do vậy không phải doanh nghiệp dược nào cũng đầu tư được đủ hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ dược (SRC) đưa ra đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cần kết hợp với doanh nghiệp xây dựng trung tâm pilot dùng chung. Trung tâm sẽ là nơi tập trung những thiết bị pilot cho từng chủng loại thuốc khác nhau, tùy vào nhu cầu doanh nghiệp muốn sử dụng loại thiết bị nào, mức phí cũng sẽ khác nhau.
PGS.TS Đỗ Trường Thiện cho rằng Việt Nam cần xây dựng xưởng sản xuất các sản phẩm hóa dược. Trong đó chú trọng nghiên cứu phương pháp quy trình tổng hợp và phát triển mới các phương pháp, quy trình tổng hợp các hóa dược ở quy mô pilot. Có như vậy, thuốc sản xuất ra mới có chất lượng ổn định và đồng đều.