Thương mại điện tử không tách biệt khỏi bán lẻ truyền thống

Hai trung tâm thương mại lớn của Mỹ là JC Penney và Macy’s vừa tuyên bố đóng nhiều cửa hàng. Sự phát triển của công nghệ khiến cho mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, đây cũng là một lý do khiến cả hai chuỗi trung tâm thương mại này điêu đứng.

Mối đe dọa lớn nhất – thương mại điện tử đang có mức tăng trưởng khá nhanh.

Điêu đứng vì thương mại điện tử

Theo kế hoạch, JC Penney sẽ đóng 40 trong số 1.060 cửa hàng cho đến đầu tháng 4, tương đương khoảng 2.250 người sẽ bị mất việc làm. Trong khi đó, Macy’s sẽ đóng 14 trong số 790 cửa hàng trong vài tháng tới, cắt giảm hơn 1.300 việc làm.

Kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cách đây không lâu cho hay, xu hướng mua hàng trực tuyến đang tăng khá nhanh, đặc biệt là ở Mỹ. Trào lưu này khiến phần lớn bộ phận thế hệ trẻ ở đây coi hoạt động mua sắm ở các trung tâm thương mại là điều gì đó lỗi thời. Các trung tâm mua sắm đang mất khoảng 6% thị phần vào tay mua sắm trực tuyến.

Số lượng các cửa hàng bán lẻ đóng cửa ngày càng tăng mạnh
Nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng toàn cầu đang dứt ruột đóng hàng loạt cửa hàng của mình như Best Buy, Sears, JC Penney, Abercrombie & Fitch và gần nhất là sự sụp đổ của RadioShack. Một tương lai không lấy làm sáng sủa đối với các trung tâm mua sắm ở nước này, dự kiến trong 2 thập niên tới sẽ có khoảng 1.500 trung tâm phải đóng cửa.

Michael Burden- chuyên gia thương mại điện tử của Excess Space Retail Services- ước tính trong vòng 5 đến 10 năm tới, các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ giảm từ 1/3 đến một nửa để nhường chỗ cho sự mở rộng của các gian hàng mua sắm trực tuyến.

“Các trang bán hàng trực tuyến hiện có khá nhiều công cụ để giúp người dùng dễ dàng theo dõi giá nào rẻ nhất. Mua sắm trên mạng sẽ là trào lưu phát triển mạnh. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà bán lẻ có nguy cơ sập tiệm”, đại diện một đơn vị bán hàng trực tuyến cho hay.

Tại Trung Quốc, hãng sản xuất trang phục thể thao Li Ning được dự báo sẽ thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp và đã phải đóng cửa hơn 1.000 cửa hàng từ năm 2012. Hãng giày Anta Sports cũng đã phải ngừng hoạt động nhiều cửa hàng, một phần do cạnh tranh từ thương mại điện tử.

Trào lưu mua sắm trực tuyến khiến các khu chợ tại nước này giảm hẳn về số lượng người tới tham quan nhưng có thể đóng góp hơn một phần năm tăng trưởng của Trung Quốc cho đến năm 2025, và chiếm 7-22% tổng GDP giai đoạn 2013-2025. Đến năm 2025, con số này có thể tương đương 14.000 tỷ NDT.

Người Trung Quốc dành 390 tỷ USD trong năm 2013 cho thương mại điện tử và con số này sẽ đạt 530 tỷ USD trong năm 2015, lớn gấp rưỡi nước Mỹ.

Liệu đây có thể coi như khởi đầu của “ngày tàn” đế chế bán lẻ tồn tại đã lâu? Các hãng bán lẻ đang phải đứng trước một cuộc đặt cược dài hạn về công nghệ nếu không muốn rớt khỏi cuộc đua khi các “thượng đế” ngày càng lười đến các cửa hàng hơn.

Cuộc chiến ở Việt Nam: Mới chỉ bắt đầu

Đó là câu chuyện ở một nước có nền kinh tế mạnh nhất và một nước có đông dân nhất. Còn ở Việt Nam, liệu các trung tâm mua sắm có bị đe doạ bởi sự lấn át của hình thức mua sắm trực tuyến? Câu trả lời ở đây là chắc chắn.

Theo CBRE VN, 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 45 - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới.

Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 - 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh/máy tính bảng.

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2014 do Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương cho biết, tổng cộng hơn 217 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2014 đạt tổng doanh thu tăng gấp đôi năm 2013, đạt 1.662 tỷ đồng.

Báo cáo thương mại điện tử tại Việt Nam 2014.
Cuộc chiến giữa bán lẻ online và offline vẫn đang tiếp diễn. Bình quân mỗi sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt chưa tới 7,7 tỉ đồng doanh thu trong năm 2014, một con số quá hẻo đối với một sàn. Điều này cho thấy, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Theo số liệu điều tra của Google và Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 35 triệu người sử dụng internet, trong đó 56% đã từng mua hàng online, số còn lại chưa mua, nhưng sẵn sàng mua. Các mặt hàng bán tốt nhất qua mạng là: thời trang, đồ điện tử, hàng gia dụng…

Thương mại điện tử không thể tách biệt khỏi cửa hiệu bán lẻ truyền thống và ngược lại. Khi quan điểm “trăm nghe không bằng một thấy”, bán lẻ trực tiếp vẫn có chỗ đứng riêng của mình.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nhất là các hình thức bán hàng qua mạng đã bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, mà như “điểm mặt” của Bộ Công thương là bán hàng giả, hàng nhái, lừa đảo người tiêu dùng… Chính vì thế, quá sớm để nói bán lẻ truyền thống đã đến ngày tàn?

Hai xu hướng bán lẻ đang có cuộc cạnh tranh nhau
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp lớn cũng đang lên kế hoạch chuyển hướng sang kênh tiêu dùng hiện đại này. Thế Giới Di Động sẽ đẩy mạnh ba hệ thống bán hàng là online, còn từ năm 2017 trở đi có thể Thế Giới Di Động sẽ cho ra đời chuỗi bán lẻ mới. Vingroup quyết định gia nhập thị trường thương mại điện tử thông qua việc thành lập công ty VinE-com. Mục tiêu của VinE-com là tạo ra kênh bán lẻ trực tuyến cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ không chỉ của Vingroup mà còn của các đối tác.

Theo bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, mặc dù triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan song các nhà quản lý trung tâm thương mại cần phải lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến.

Do đó, các nhà bán lẻ và chủ toà nhà cần tận dụng xu hướng này để triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng.

Thêm nữa, CBRE khuyến cáo các chủ tòa nhà nên áp dụng chiến lược đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử song hành cùng với thương mại truyền thống, tận dụng nguồn dữ liệu, thực hiện chiến lược tiếp cận từ Trực tuyến đến Ngoại tuyến (Online to Offline - O2O), nhằm tạo ra các ứng dụng đơn giản và hiệu quả để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm hơn.

Thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ đang là giai đoạn sơ khai và cần có những tác động tích cực để mở rộng thị trường. Song, để làm được điều đó các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phải có một chiến lược hoạt động lâu dài ở năm 2015 và về sau.

DUY ANH/Vietnamnet

http://techmartdanang.vn/