Tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục sụt giảm

Trong tháng 10/2011, số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tiếp tục sụt giảm và có sự trái chiều giữa tiền gửi VND với ngoại tệ.

Chiều 11/11, Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại trong tháng 10. Kết quả này được chờ đợi bởi đây là tháng đầu tiên trần lãi suất huy động được thực hiện quyết liệt.

picture


Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư và chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động từ 1/10/2011, cũng như siết trần lãi suất huy động VND 6% đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng.

Đi cùng với đó, một số trường hợp vi phạm trần lãi suất đã bị phát hiện và xử lý nghiêm, cơ chế được làm chặt khiến lãi suất huy động thực tế không còn vượt trên 14%/năm như trước đó. Điều này ảnh hưởng nhất định đến huy động vốn của các ngân hàng thương mại, cũng như tác động đến quyết định gửi tiền của khách hàng khi lãi suất không có “cơ hội” cao hơn như trước đó.

Và theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 20/10/2011 ước giảm 0,74% so với tháng trước, và tính chung chỉ ước tăng 8,59% so với cuối năm trước. Trước đó, tính đến thời điểm 23/9/2011, số dư tiền gửi của hệ thống cũng đã giảm tới 1,07% so với cuối tháng liền trước.

Một điểm đáng chú ý trong kết quả huy động tính đến 20/10/2011 so với tháng trước là số dư tiền gửi bằng VND đã giảm mạnh với 1,29%; trong khi đó số dư bằng ngoại tệ lại tăng 1,73%. Điểm đáng chú ý trong sự trái chiều này là lãi suất huy động ngoại tệ ở mức rất thấp, riêng với USD đã bị rút trần từ 1%/năm xuống 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức, áp 2%/năm đối với dân cư. Liệu ở đây có sự dịch chuyển dòng vốn tiền gửi hay tình trạng trú ẩn vào ngoại tệ đang thể hiện?

Cùng với sự sụt giảm của lượng tiền gửi, thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục cho thấy sự hạn chế của tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/10/2011 ước chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 0,05%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,05%. Tính chung đến thời điểm trên, so với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước chỉ tăng 8,61%. Như vậy, dự tính tăng trưởng tín dụng thực tế cả năm nay chỉ quanh khoảng 12% đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vừa qua đang rõ hơn, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu định hướng dưới 20%.

Cũng tính đến 20/10/2011, tổng phương tiện thanh toán ước giảm 0,5% so với tháng trước và chỉ tăng 7,5% so với cuối năm 2010; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 1,09% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 0,91%. Theo đó, qua gần 10 tháng, tổng phương tiện thanh toán cũng mới chỉ đi được phân nửa chặng đường chỉ tiêu đưa ra đầu năm.