Tiếp tục giữ giá xăng dầu: DN cắn răng chịu lỗ
Giá dầu thô thế giới đã đạt ngưỡng 120 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay và đặt các DN xăng dầu trước tình hình rất khó khăn, thua lỗ nặng nề.
Trong hoàn cảnh đó, đã có nhiều ý kiến muốn tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn khẳng định chưa có bất cứ một kế hoạch nào. Tất cả vẫn thực hiện theo chỉ đạo: bình ổn giá xăng đến hết tháng 6 của Thủ tướng. Cắn răng chịu lỗ Từ đầu tháng tháng 3/2008 đến nay, giá xăng dầu thế giới đã tăng liên tục, nhất là từ 11/3, giá xăng RON 92 thường xuyên dao động xung quanh mức 100 USD đến 110 USD/thùng, thậm chí trong những phiên giao dịch gần đây giá dầu thô đã lên sát mức 120 USD/thùng. Thông tin từ những DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối cho biết, có thời điểm, giá xăng nhập khẩu tại Sigapore đã lên tới 120,86 USD/thùng. Với mức giá này, hiện nay, các DN tuy đã được điều chỉnh giá theo cơ chế mới từ tháng 3 nhưng vẫn trong tình trạng thua lỗ. Có DN hiện đang lỗ hàng tỷ đồng mỗi ngày, có nhiều chuyến hàng nhập về DN chấp nhận lỗ hơn 1 triệu USD. Lỗ nhưng DN vẫn phải làm để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Đồng thời thực hiện không tăng giá các mặt hàng quan trọng của nền kinh tế như Chính phủ đã đề ra là: xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh... Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang theo dõi rất sát giá xăng và đã có nhiều phương án được đưa ra nhưng trước mắt sẽ không có bất cứ một sự điều chỉnh nào, giá xăng - dầu vẫn sẽ ổn định. Các DN sẽ tiếp tục thực hiện việc nhập khẩu và bán xăng theo mức hiện nay. Việc bù lỗ sẽ được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với các DN xăng dầu vào cuối tháng 3, đến hết tháng 6/2008, ổn định và không tăng giá xăng dầu, trừ trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng đột biến; Giữ nguyên thuế nhập khẩu ở mức 0% như hiện nay và chấp nhận bù lỗ. Cơ chế bù lỗ được thực hiện theo phương thức: hàng tháng sẽ cho các DN được tạm ứng 95% số lỗ tạm tính trong tháng. Việc tạm ứng phải thực hiện theo kế hoạch. Thế nào là tăng đột biến? Những tính toán giá xăng dầu của các Bộ ngành để điều hành được thực hiện trên cơ sở giá hình thành của tháng 3/2008. Mức giá thời điểm đó xoay quanh 100 USD/thùng dầu thô. Được biết, tất cả các phương án về quỹ bình ổn, phương án điều hành thuế đều được tính ở mức giá dầu thô khoảng 105 USD/thùng. Cụ thể, theo kế hoạch, một quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được hình thành theo cơ chế lấy mặt bằng giá đã hình thành, tức là giá dầu thô 105 USD/thùng và giá các loại sản phẩm xăng dầu khác để xây dựng mặt bằng giá và duy trì mặt bằng giá này trong một thời gian nhất định, đến tháng 6/2008. Mức 105 USD/thùng cũng được đưa ra để làm căn cứ điều hành giá, trong điều kiện thay đổi theo chiều hướng tăng đối với xăng, các DN phải giữ giá chờ thời cơ thuận lợi để tự bù. Đối với dầu, Nhà nước sẽ thực hiện bù. Trong trường hợp từ nay đến tháng 6 và những tháng sau này nếu giá xăng dầu giảm xuống dưới 105 USD/thùng nhưng mức giảm không quá lớn thì sẽ ổn định giá để DN có lợi nhuận. Đối với xăng thì để bù lỗ trước đây. Còn đối với dầu thì sẽ được trích lợi nhuận đưa vào quỹ bình ổn giá. Chính phủ cũng khẳng định, ổn định thuế đến hết năm 2008, nếu giá dầu thô trên 105 USD/thùng thì áp thuế nhập khẩu bằng 0%, nếu dưới 100 USD thùng thì xem xét cụ thể để tính tăng hay không. Như vậy, có thể hiểu mức giá cho mọi tính toán bình ổn giá khoảng 105 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu có đột biến thì sẽ có những chính sách khác. Vấn đề thế nào là đột biến, con số 120 USD hiện nay đã có thể xem là đột biến so với mức giá tính toán trước đây hay chưa thì chưa có câu trả lời cuối cùng. Đây chính là thời điểm nhạy cảm của DN và người điều hành trong hoàn cảnh hiện nay. Theo một chuyên gia Bộ Công Thương thì, mức giá 115 USD/thùng dầu thô đã có thể xem là một mức tăng lớn và cần có biện pháp hỗ trợ DN nếu muốn giữ giá và giữ được nguồn cung. Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục giữ giá xăng dầu thì phải bù lỗ hoặc có chính sách ứng vốn để DN nhập khẩu. Vì hiện tại, các DN nhập khẩu đang rất khó khăn về vốn. Liệu có tăng giá "sốc" sau tháng 6 Trao đổi về cơ chế điều hành giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc bình ổn giá đạt mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ là cần thiết. Nhưng tất cả đều bày tỏ lo ngại, việc chấp nhận lỗ để giữ giá lâu tất yếu đến lúc nào đó sẽ có thể tăng rất mạnh và có thể tạo ra "cú sốc" cho nền kinh tế. Thực tế, những đợt tăng giá gần đây nhất đã cho thấy điều đó. Theo tính toán của các doanh nghiệp, với giá nhập khẩu hiện nay, cộng thêm thuế và các loại phí thì giá bán đến tay người tiêu dùng vào khoảng 16.800 đồng/lít xăng và 15.600 đồng/lít dầu. Với mức giá hiện tại, DN đang kêu lỗ khoảng 2.000 đồng mỗi lít xăng A92 và khoảng 1.700 đồng với mỗi lít dầu hỏa và diezel. Nếu so với mức giá bán lẻ xăng A92 đang có giá 14.500 đồng và dầu diezel đang ở mức 13.900 đồng/lít thì DN đang lỗ rất nặng, Chính phủ bù lỗ lớn. Và điều gì sẽ xảy ra sau thời điểm tháng 6/2008, nếu giá xăng dầu xuống thì sẽ đều tốt đẹp cho nền kinh tế và các chính sách điều hành có kết quả tốt. Nhưng nếu giá vẫn cao như hiện nay và có thể tăng thêm thì liệu ngân sách có đủ sức tiếp tục bù lỗ; còn nếu "buông" theo thị trường chắc chắn sẽ tạo ra một đợt tăng giá rất mạnh, có thể gây sốc cho nền kinh tế. Tại một diễn đàn mới đây về giá xăng dầu, đã có ý kiến cho rằng, với mức giá hiện nay, giá xăng dầu trong nước phải tương đương 1 USD/lít. Tuy nhiên, như cách tính trên đây của các DN thì 1 USD/lít cũng chưa thể đủ bù giá chứ chưa nói đến lợi nhuận và việc bù đắp cho những khoản lỗ trước đây do giữ giá. Như vậy, 16 ngàn - 17 ngàn/lít xăng là điều có thể xảy ra. Nếu lên đến mức giá này thì thực sự là một "cơn sốc". |
24H.COM.VN (Theo Vietnamnet) |