Tiếp tục giữ ổn định giá đến hết năm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Chính phủ đã chỉ đạo sẽ tiếp tục ổn định giá đến hết năm 2008. Các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, vận tải, xe buýt sẽ không tăng giá.
Chính phủ đã chỉ đạo sẽ tiếp tục ổn định giá đến hết năm 2008. Ảnh: Phạm Yên |
Chiều qua (2/7), chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết:
Phiên họp thường kỳ tháng 6 Chính phủ đã xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, báo cáo về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm điểm ưu khuyết điểm của Chính phủ trong công tác điều hành thời gian qua.
Chính phủ cũng cho ý kiến về Luật đăng ký bất động sản, Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đánh giá mặc dù tiếp tục có những khó khăn trong 6 tháng qua, nhưng dưới sự điều hành toàn diện của Chính phủ, 3 tháng gần đây lạm phát đã giảm dần, đặc biệt chỉ số tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 2,14% (thấp nhất trong 6 tháng qua), đầu tư nước ngoài tăng vọt đạt 31,6 tỷ USD.
Xã hội giữ được thế ổn định, các chương trình quốc gia cho người nghèo, đối tượng chính sách đựơc quan tâm, không để thiếu đói xảy ra.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định khó khăn còn phức tạp, khó lường. Những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa thật sự vững chắc, bên cạnh đó còn tiềm ẩn những bất cập, bất ổn, đáng chú ý là giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm chi thường xuyên, tính đến ngày 23/6, có 68/71 bộ, cơ quan trung ương, 60/64 tỉnh thành báo cáo đã cắt giảm 2.558 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 1.736 dự án đầu tư XDCB bằng vốn ngân sách đã được đình hoãn, giảm tiến độ với tổng số vốn là 5.625 tỷ đồng; cắt giảm 25% vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ (9.734 tỷ đồng).
Về cơ chế điều hành giá 6 tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Chính phủ đã chỉ đạo sẽ tiếp tục ổn định giá đến hết năm 2008. Các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, vận tải, xe buýt sẽ không tăng giá.
Tuy nhiên, những mặt hàng khác trong danh mục kiềm chế giá sẽ được xem xét cho điều chỉnh phù hợp, đúng quy định.
“Riêng xăng dầu, liên Bộ Tài chính-Công thương đang trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá theo hướng: ưu tiên kiềm chế lạm phát, phù hợp khả năng bù lỗ, có tính đến việc hỗ trợ các đối tượng chính sách”- Ông Hà cho biết (Tính đến tháng 6 Chính phủ đã bù lỗ 11.000 tỷ đồng cho xăng dầu).
Trả lời câu hỏi của báo chí về nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Các doanh nghiệp đã nhập khẩu đúng tiến độ, khối lượng, đủ đáp ứng nhu cầu và sẽ không có chuyện thiếu xăng dầu.
Ông Biên cũng thừa nhận do các DN tính toán không sát, nhập khẩu phôi thép với số lượng lớn, vừa qua đã phải xuất ra ngoài để thu hồi vốn cho DN.
Cũng theo ông Biên, dự kiến đến cuối năm sẽ tiếp tục phải nhập thêm khoảng150.000 tấn muối, do lượng muối sản xuất trong nước không đủ (nhu cầu là 1,3 triệu tấn).
(theo tienphongonline)