Tin nhanh kinh tế- tài chính thế giới ngày 19/12

Trong ngày hôm qua, các nhà chức trách Mỹ đóng cửa 7 ngân hàng, nâng tổng số ngân hàng đóng cửa từ đầu năm đến nay lên 140. Đây là con số nạn nhân lớn nhất của ngành này kể từ năm 1992, trong cuộc khủng hoảng tiền gửi và vay nợ. 138 ngân hàng sụp đổ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của chính phủ Mỹ hao tốn không dưới 30 tỷ USD trong năm 2009. Hồi 2008, quỹ bảo hiểm của chính phủ Mỹ chỉ phải chi ra 25 tỷ USD và hồi 2007 con số này chỉ vẻn vẹn 3 tỷ USD.

Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi (FDIC) dự đoán chi phí bảo hiểm cho các vụ sụp đổ ngân hàng trong vòng 4 năm tới có thể lên đến 100 tỷ USD.

Tuần trước, chính quyền Obama quyết định kéo dài chương trình cứu trợ khẩn cấp 700 tỷ USD sang tháng 10 năm sau. Theo các nhà chức trách, việc cứu trợ vẫn là cần thiết trong thời điểm hiện nay, để ngăn chặn những sự cố tiếp theo trong hệ thống ngân hàng. Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cũng cho rằng chương trình cứu trợ sẽ giúp những người sở hữu nhà tránh tình trạng bị tịch biên, những nhà doanh nghiệp nhỏ sẽ được tiếp tục vay vốn.

17 quan chức của EADS bị cáo buộc giao dịch nội gián, cho rằng họ đã biết trước việc hoãn dự án Airbus 380. Ảnh: eads-nv

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 6, đồng đôla tiếp tục đà tăng, đánh dấu tuần lên điểm mạnh nhất so với đồng euro kể từ tháng 10. Trong phiên, lần đầu tiên kể từ hồi tháng 9, mỗi euro chỉ còn tương đương với 1,4262 USD. Đây là mức tăng mạnh mẽ so với mốc 1,4338 USD một ngày trước đó.

Đồng yen Nhật cũng mất giá so với USD. Hiện một đôla Mỹ tương đương với 90,38 yen, so với 89,96 yen hôm thứ 5. Trong tuần qua, tổng cộng USD đã tawgn 2% điểm so với euro, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhận xét kinh tế Mỹ đã khởi sắc.

Euro mất giá sau khi ngân hàng trung ương châu Âu cho biết các ngân hàng trong khu vực sử dụng đồng tiền chung có thể phải điều chỉnh 187 tỷ USD (268 tỷ USD) các khoản vay dành cho công ty bất động sản và sức khỏe của các nước Đông Âu đe dọa đến đà phục hồi kinh tế.

Dầu thô cũng tăng giá mạnh lên 73 USD một thùng, sau thông tin quân của Iran bất ngờ đột nhập vào một giếng dầu của Iraq, khiến cộng đồng thế giới lo ngại về mối căng thẳng giữa hai quốc gia khai thác lớn.

Trong phiên họp vào thứ 3 tuần sau tại Luanda, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ quyết định giữ nguyên lượng dầu khai thác, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola cho biết hôm qua. "Chúng tôi sẽ giữ nguyên quota khai thác và không thay đổi các mục tiêu về giá, nếu cho đến ngày họp, mỗi thùng dầu vẫn ở khoảng từ 75 đến 80 USD", Bộ trưởng này cho biết.

Đợt lạnh tại miền đông bắc nước Mỹ, thị trường dầu dùng để sưởi ấm lớn nhất thể giới, cũng hỗ trợ giá đi lên.

Hôm qua, Mỹ tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý dừng một loạt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vốn bị Washington cho rằng vi phạm quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Từ hồi tháng 12 năm ngoái, văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã gửi đơn khiếu nại lên WTO về chính sách trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc. Mỹ lôi kéo được cả Nhật Bản, Mexico và Guatemala cùng ký vào đơn khiếu nại. Họ cho rằng trong hai chương trình "Thương hiệu xuất khẩu nổi tiếng" và "Thương hiệu hàng đầu thế giới của Trung Quốc", chính phủ Trung Quốc đã đặt ra một số hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu. Theo Mỹ, các doanh nghiệp tham gia chương trình này được nhận nhiều dạng hỗ trợ khác nhau, trong đó có cả hỗ trợ tài chính.

Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cho rằng việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để dừng các chương trình này là một thắng lợi với tất cả các nhà sản xuất cùng tầng lớp công nhân của Mỹ.

Hôm trước, các nhà chức trách Pháp tuyên bố 17 cựu lãnh đạo cùng lãnh đạo đang đương chức của hãng hàng không EADS trắng án sau cáo buộc thu lợi bất chính hàng triệu USD do giao dịch nội gián. Hãng hàng không châu Âu EADS là công ty mẹ của hãng Airbus.

Hai cổ đông lớn là Chrysler và Lagardere cũng được tuyên bố trắng án. Những cáo buộc nhằm vào 3 hãng này cho rằng họ đã bán quyền chọn mua chứng khoán vì biết trước rằng giá cổ phiếu sắp sửa giảm trước khi công bố dự án A380 bị đình trệ.

Trong báo cáo kết luận, Ủy ban Thị trường tài chính Pháp (AMF) cho rằng việc hoãn dự án A380 không phải là thông tin mật, do đó, không có khả năng giao dịch nội gián.

Doanh thu của Porsche giảm mạnh tại thị trường Mỹ và châu Âu, nhất là đối với 2 dòng xe Cayenne và 911. Ảnh: AFP

Hôm qua, hãng xe siêu sang Porsche của Đức cho biết lợi nhuận giảm 30,5%, xuống chỉ còn 1,6 tỷ USD trong 3 tháng từ tháng 8 đến tháng 10 vừa rồi. Trong thời kỳ này, chỉ có 11,385 chiếc Porsche được bán ra trên toàn thế giới, giảm 41% so với 3 tháng trước. Hãng này biện hộ rằng vì một số trục trặc, họ không thể so sánh số liệu với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của Porsche giảm 1,3% sau thông tin trên.

Tuần trước, đại gia Volkswagen thông báo họ đã hoàn tất việc mua 49,9% cổ phần của Porsche và không giấu giếm tham vọng sẽ thâu tóm toàn bộ Porsche vào năm 2011. Nếu kế hoạch này thành công, Porsche sẽ về chung một nhà với các thương hiệu xe sang khác mà Volkswagen đang sở hữu như Audi, Bentley, cùng những dòng xe rẻ hơn như Skoda, Seat và VW.

Đây là thế cờ lật ngược mà Volkswagen dành cho Porsche, khi chỉ mấy tháng trước đó, Porsche còn ấp ủ tham vọng thâu tóm Volkswagen. Tuy nhiên, có vẻ việc mua lại này quá sức đối với Porsche, và dồn họ vào tình trạng ngập trong nợ nần.