Trong khi giới ngân hàng Trung Quốc bàn cách kiềm chế cho vay để đối phó với tăng trưởng quá nóng, các nhà băng Nhật Bản lại đau đầu với bài toán chặn đứng giảm phát.
Tổng thống Barack Obama vừa trình Quốc hội Mỹ xem xét kế hoạch ngân sách trị giá 3.800 tỷ USD cho tài khóa 2011. Theo ông Obama, thâm hụt ngân sách trong năm 2010 của Mỹ có thể ở mức 1.600 tỷ USD. Chính phủ Mỹ sẽ cố gắng hạ con số này xuống dưới 1.300 tỷ trong năm 2011. Con số này sẽ nâng mức dự báo thâm hụt ngân sách trong vòng một thập kỷ tới của Mỹ lên mức 4,5%.
Kế hoạch ngân sách mới cũng như kết quả tăng trưởng khả quan của kinh tế Mỹ trong quý 4/2009 tiếp tục là động lực giúp đồng đôla tăng giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh. Trong phiên giao dịch đầu tuần tại Tokyo, một USD ăn 90,62 yen, tăng 0,8%. Một euro hiện đổi được 1,3947 USD, tăng nhẹ so với mức thấp kỷ lục của tuần trước.
Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Naoto Kan. Ảnh: Reuters |
Vàng mất giá nhẹ trong sáng ngày 1/2 tại châu Á. Các đơn hàng giao ngay chào giá 1.076,70 USD một ounce, mất 3,5 USD so với mở cửa. Trong vòng 1 tháng qua, vàng mất 2% giá trị. Giá dầu giảm nhẹ 0,18 USD, còn 72,71 USD một thùng vào 9h sáng nay (theo giờ Hà Nội).
Báo cáo mới công bố sáng nay cho thấy các ngân hàng Trung Quốc cho vay thêm 1.600 tỷ nhân dân tệ, tương đương 234,4 tỷ USD trong tháng 1 vừa rồi. Tốc độ cho vay chậm hẳn trong 10 ngày cuối cùng của tháng do các nhà chức trách yêu cầu giới ngân hàng kiềm chế cho vay. Mới đây, chính quyền nước này quyết định tăng lượng dự trữ bắt buộc đối với từng ngân hàng, so với con số mà họ công bố hôm 12/1.
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính nhận xét ngân hàng trung ương Bank of Japan sẽ phải nỗ lực hơn nữa để chặn đứng giảm phát. Vị Bộ trưởng tài chính này, một trong những nhân vật có tiếng nói nhất tại Nhật Bản hiện nay, cho rằng giảm phát sẽ phải ngừng lại trong vòng 4 năm nữa. Hồi tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật rơi xuống mức thấp kỷ lục do nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ớt. Giảm phát đang là mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật Bản trong thời điểm hiện nay, khi các gia đình chưa chịu mở rộng hầu bao để mua sắm.
Tại Mỹ, có vẻ như ngân hàng Morgan Stanley đang lên kế hoạch thuê thêm vài trăm nhân viên giao dịch trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trong năm 2009, ngân hàng này thua lỗ 807 triệu USD. Tuy có lãi trở lại trong quý 3 nhưng hoạt động giao dịch yếu cũng gây áp lực lên lợi nhuận trong quý 4 vừa rồi.
GDP của Mexico sụt giảm 6,8% trong năm 2009. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất của kinh tế nước này trong 30 năm qua, vượt quá cả kỷ lục âm 6,2% của năm 1995. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn tỏ ra tương đối lạc quan về triển vọng phục hồi khi GDP cả nước tăng được 1,2% trong quý IV/2009.
Một báo cáo đặc biệt công bố vào chủ nhật cho thấy gói kích thích 700 tỷ USD của Chính phủ Mỹ nhằm cứu ngành tài chính đã không đạt được những mục tiêu cơ bản như kích thích cho vay và hạn chế các hoạt động rủi ro của giới ngân hàng.
Ngân hàng Morgan Stanley lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong năm nay. Ảnh: Reuters |
Đây là nhận xét được đưa ra trong báo cáo hàng quý dành cho chương trình giải trừ nợ xấu TARP được công bố trước Quốc hội Mỹ. Mặc dù vậy, những người lập báo cáo vẫn cho rằng thời điểm này là quá sớm để có cái nhìn toàn diện về mức độ thành công của chương trình.
Trong một chương trình phỏng vấn hôm qua, một Bộ trưởng cấp cao của Thụy Sĩ cảnh báo ngân hàng hàng đầu nước này là UBS có thể sụp đổ nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ trong vụ điều tra các tài khoản bí mật tại UBS. Trước đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận rằng phía Thụy Sĩ sẽ cung cấp thông tin của 4.500 chủ tài khoản bí mật mang quốc tịch Mỹ đang gửi tiền tại ngân hàng này. Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay vụ điều tra vẫn chưa tiến triển thêm. Cùng lúc đó, Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục bị nhiều người buộc tội bao che cho ngành ngân hàng, vốn là niềm tự hào và là nguồn thu chính của nền kinh tế nước này.
Nỗi sợ hãi bong bóng tài sản và những động thái kiềm chế tăng trưởng quá nóng từ Trung Quốc xa xôi cũng gây xôn xao trong dư luận Brazil, nhất là sau những lời cảnh báo của các chuyên gia thế giới.
"Hiện có những nguy cơ bong bóng tài sản ở các nước như Brazil, Ấn Độ và chúng ta nên cẩn trọng với điều này", Chủ tịch của OECD, Angel Gurria phát biểu trên kênh CNBC hồi tuần trước. Những mối lo ngại trên khiến các nhà đầu tư Brazil đã rút hơn 500 triệu USD ra khỏi thị trường chứng khoản Sao Paulo trong tháng 1. Trong vòng một tháng, chỉ số chứng khoán Bovespa index của nước này mất 4,7% điểm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đang lên kế hoạch chi 100 tỷ USD giúp các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đây là tuyên bố được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa kết thúc tại Davos.
IMF sẽ sớm công bố kế hoạch sẽ chi tiêu 100 tỷ USD này như thế nào. Theo Liên Hợp Quốc, các chính phủ nên đầu tư tiền vào những ngành có lợi cho môi trường, tạo thêm việc làm trong những ngành này để vừa chống biến đổi khí hậu, vừa giúp tạo ra một xã hội xanh hơn.