TS Đặng Thanh Lương, Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân và nhóm cộng sự vừa hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ bao gồm một số nội dung chính như: Chương trình đào tạo kiến thức về ứng phó sự cố cho lãnh đạo, cán bộ tham gia ứng phó, nhân viên bức xạ và người dân; chương trình đào tạo chuyên sâu cho các tổ chức sẽ tham gia ứng phó sự cố; sổ tay hướng dẫn cho các lực lượng ứng phó sự cố; quy chế, quy trình, kịch bản cụ thể khi phối hợp ứng phó sự cố (giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện…).
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có hơn 60 cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực công nghiệp (chiếu xạ công nghiệp, soi chiếu kiểm tra an ninh…); gần 350 cơ sở y tế sử dụng các thiết bị X-quang, nguồn phóng xạ, máy gia tốc năng lượng cao để chẩn đoán, điều trị bệnh và khoảng hơn 20 cơ sở hoạt động kinh doanh các thiết bị phát bức xạ, có chứa nguồn phóng xạ… Cũng theo nhóm nghiên cứu, công tác ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn TP hiện nay còn nhiều bất cập về cơ chế, hạn chế về năng lực ứng phó từ cấp độ cơ sở đến TP.
TS Phan Thu Nga, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho biết, việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ này nằm trong mục tiêu tăng cường năng lực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn TP thiết thực góp phần để việc sử dụng năng lượng, kỹ thuật hạt nhân một cách an toàn. Đây cũng là bước triển khai thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử của quốc gia.