Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người

Tại Tọa đàm khoa học “Những vấn đề lý luận và lịch sử về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm Nhân quyền Nauy tổ chức ngày 13.4.2012, GS.TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, thuật ngữ “trách nhiệm” được hiểu trong chủ đề của buổi Tọa đàm này là những việc mà chủ thể nhất định phải thực hiện, chứ không phải là những hậu quả mà chủ thể có hành vi vi phạm phải gánh chịu. Nội hàm của trách nhiệm xã hội đối với quyền con người bao gồm: trách nhiệm xã hội trong việc cung ứng sản phẩm có chất lượng và an toàn cho con người; trách nhiệm xã hội đối với các quyền về lao động an toàn, về các quyền an sinh xã hội; trách nhiệm đối với quyền được sống trong môi trường trong lành; trách nhiệm đối với cộng đồng. Với cách hiểu như vậy, rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người không đơn thuần chỉ là làm từ thiện hay chỉ là trách nhiệm với cộng đồng.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học đều khẳng định: trong những năm qua, doanh nghiệp của Việt Namđã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với quyền con người, điều này được thể hiện qua những sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, tùy tiện xả thải vào môi trường sống của cộng đồng, có sự cưỡng bức lao động (đặc biệt với lao động trẻ em), không tôn trọng thương lượng tập thể (biểu tình)… Các tham luận và ý kiến trao đổi cũng tập trung vào hai nhóm giải pháp để đảm bảo và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người: tuyên truyền, giáo dục cho doanh nghiệp để họ thấy những trách nhiệm đó là hành vi đạo đức và được điều khiển bằng đạo đức; xây dựng hành lang pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm của mình một cách đầy đủ và nghiêm túc.