Trái ngược Bí quyết vẫn sống thọ

 Vấn đề sống lâu không chỉ do chế độ ăn uống mà còn phụ thuộc rất nhiều thứ: một bộ gen có sức chống chịu tốt, một cuộc sống hạnh phúc, suy nghĩ tích cực và năng vận động.

                                                                      

Sống lâu hay tuổi thọ cao là khả năng sống thời gian dài hơn bình thường, dài hơn đa số những người chung quanh mình. Tuổi thọ bình quân của con người được tăng dần lên qua các thời đại nhờ vào những tiến bộ của y học. Tuy vậy, cũng không có ai là sống mãi không bao giờ chết. Trường sinh bất tử chỉ có trong các giai thoại tôn giáo, các truyện không tưởng, ở các đấng thần thánh hay các siêu nhân để thể hiện ước mong của con người muốn thoát khỏi nỗi lo sợ của ngày mình lìa đời.

Trong kết quả bảng tuổi thọ các nước do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện, người Việt Nam đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, đạt tuổi thọ trung bình 75,6 tuổi. Người Hong Kong, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Úc,…có tuổi thọ đứng ở top đầu, trên 80 tuổi. Trên thế giới, có những kỷ lục sống lâu hơn 100 tuổi, trong đó có người nhờ bí quyết sống khỏe, nhưng cũng có những người sống lâu dù có những thói quen không hề khoa học.

Đối với nhiều người, ăn uống lành mạnh là một trong những  bí quyết hàng đầu để sống lâu. Đã có nhiều nghiên cứu về những lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải để làm tăng tuổi thọ của con người: ăn nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá và dầu ô liu, ít thịt đỏ. Thế nhưng, theo Daily Herald, cụ Helen Diekman ở Illinois (Mỹ) ăn bánh kẹp xúc xích cùng đồ chiên và nước ngọt 3 lần mỗi tuần mà vẫn thọ đến 100 tuổi. Cụ Jeralean Talley trước khi ra đi ở tuổi 116 thường xuyên ăn gà của McDonald và thức đến nửa đêm. Tiếp đến là Agnes Fenton 110 tuổi uống bia rượu mỗi ngày suốt 70 năm. Đối với cụ bà trên 100 tuổi - Mildred Bowers đến từ miền nam Carolina, Mỹ, bia lại giống như thuốc bổ. Cứ đến 4  giờ chiều mỗi ngày, cụ lại chăm chỉ uống 1 cốc bia để được tỉnh táo, minh mẫn và tràn đầy năng lượng. Các nhà khoa học đã từng cảnh báo về việc ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư, dễ gây chết sớm. Vậy mà cụ Susannah Mush-att Jones thọ đến 116 tuổi. Cụ rất thích thịt và có thể ăn thịt xông khói cả ngày.

Trên một phương diện khác, hầu hết các chuyên gia về tình dục đều cho rằng sex giúp con người sống lâu hơn. Một loạt các nghiên cứu cho thấy “yêu” rất tốt cho sức khỏe, giúp bảo vệ tim mạch, chống loãng xương, ngăn chặn chứng mất trí nhớ, điều trị trầm cảm, cải thiện tâm trạng và là phương thuốc giảm đau tự nhiên hiệu quả. Thế nhưng, nhà sư Swami Sivananda người Ấn Độ, sống trên 120 tuổi lại không có chút yếu tố sex nào trong cuộc sống.

Thực ra, vấn đề sống lâu không chỉ do chế độ ăn uống, sinh hoạt mà còn phụ thuộc rất nhiều thứ. “Vấn đề không phải bạn ăn gì mà gene bạn như thế nào”, giáo sư Nieca Goldberg từ Đại học New York giải thích. Nhiều người sống lâu dù ăn uống không lành mạnh cho thấy họ sở hữu một loại gene đặc biệt. Bên cạnh đó, Goldberg cho biết còn có các yếu tố khác giúp con người thọ trăm tuổi: “Một cuộc sống hạnh phúc, suy nghĩ tích cực và năng vận động là những điều đã được y học công nhận”.

Nhiều phụ nữ sở hữu kỷ lục sống lâu coi ăn uống như một thú vui bổ sung vào yếu tố sống hạnh phúc, đồng thời duy trì những thói quen tốt khác để bù đắp.  Cụ Helen thường ngủ sớm, chăm  đi lễ và có nhiều bạn bè. Jeralean thì không bao giờ hút thuốc hay uống rượu, tự nhận mình có niềm tin sâu sắc, ăn nhiều cá và rau. Đạo sĩ Ấn độ chỉ ăn các món luộc, không gia vị trong đồ ăn và tập yoga đều đặn. Cụ cũng trải lòng về cuộc sống hiện đại rằng: “Ngày xưa, mọi người mưu cầu ít hơn bây giờ. Tới ngày nay, xã hội bất hạnh, yếu ớt và bất lương. Điều đó khiến tôi đau khổ. Tôi chỉ mong tất cả được vui vẻ, khỏe mạnh, yên bình”.

                                                      Chuyên đề Số 2 - Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Đà Nẵng