Trượt giá là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế

Trượt giá là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế
 

 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, việc đưa ra các giải pháp cũng là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế.

Ngày 08/7 Bộ Công thương tổ chức giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm giữa hai đầu Hà Nội và TP.HCM. Theo nhận định chung, mặc dù đã đạt một số kết quả, song nền kinh tế hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn nhất.

Sản xuất công nghiệp tăng đạt kế hoạch, nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Ảnh: Đặng Vỹ

Những nỗ lực

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong bối cảnh khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2008, kinh tế cũng đã đạt được một số kết quả tốt. Mức tăng trưởng kinh tế đã duy trì được ở mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp và thương mại chiếm 73% GDP.  Trong đó giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đóng góp cho GDP 212,5 nghìn tỷ đồng, ngành thương mại dịch vụ trên 243,7 nghìn tỷ.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch và so với nhiều năm gần đây, với kim ngạch 29,69 tỷ USD. Kim ngạch xuất khầu hàng hóa tiếp tục tăng cao và đều khắp trên các mặt hàng, các thị trường. Điều đó phản ánh năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đã có nâng lên.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục có bước phát triển. 6 tháng đầu năm cả nước có 487 dự án được cấp GCN đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 30,9 tỷ USD, tăng 4,2 lần vốn so với cùng kỳ năm 207. Đáng chú ý là quy mô dự án lớn càng nhiều như dự án gang thép Hưng Hiệp Formosa vốn 7,8 tỷ USD, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn 6,2 tỷ USD…

Hàng xuất khẩu, hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng đều tăng giá, khó khăn. Ảnh: Đặng Vỹ

Một yếu tố quan trọng là cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn đạt mức tăng cao thể hiện mức cung hàng hóa và dịch vụ cũng như sức tiêu dùng của thị trường vẫn tăng.

Vẫn còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn

Đó là nhận định của của cuộc họp giao ban. Kinh tế trong nước có nhiều biến động phức tạp và gây ra nhiều khó khăn. Giá nhiều loại vật tư, nguyên vật liệu như sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy… và đặc biệt là xăng dầu, liên tục thay đổi ở mức cao gây áp lực cho sản xuất trong nước và tăng giá thành sản phẩm, tăng giá các loại hàng hóa tiêu dùng, ảnh hưởng đến SXKD và sức mua.

Chẳng hạn, tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp thấp so với nhiều năm gần đây. Giá trị SX công nghiệp tăng 16,5%, tuy đạt mục tiêu kế hoạch, nhưng giá trị gia tăng chỉ 8,3%.

Nhập siêu vẫn còn quá lớn, đến 14,78 tỷ USD, hơn cả năm 2007.

Tài chính ngân hàng cũng gặp khó khăn. Lãi suất huy động và cho vay quá lớn khiến bất an cho hệ thống ngân hàng, Tín dụng tăng cao là một khó khăn cho DN.

Một trong những điểm yếu của công tác quản lý là hoạt động dự báo, cảnh báo của các cơ quan quản lý vận hành nền kinh tế còn yếu, chưa kịp thời, không chính xác, nên các giải pháp cũng không kịp thời và chính xác tương tự. Từ đó, việc chống đỡ với tăng giá, lạm phát còn chậm chạp và kém hiệu quả.

Tương tự như vậy, công việc kiểm soát thị trường trong nước có thời điểm còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn để có biện pháp hiệu quả. Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu bộ lộ nhiều yếu kém.

Cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế!

Có mặt tại buổi giao ban trực tuyến, mối quan tâm và lo lắng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như các đại biểu là cán cân thương mại bị mất cân đối quá lớn, và việc cân bằng lại từ nay đến cuối năm là một vấn đề khó khăn.  

So với kế hoặc cả năm là kim ngạch xuất khẩu 61,2 tỷ USD để cân bằng cán cân thương mại, thì nhập khẩu 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt 48,5%. Mặc dù cuối năm là thời điểm các DN thực hiện hợp đồng giao hàng, song bình quân phải xuất khẩu được 5,25 tỷ/tháng là một gánh nặng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cũng bày tỏ lo lắng: tình hình thiếu điện và thiếu xăng dầu cuối năm sẽ càng thêm căng thẳng, bất lợi cho sản xuất kinh doanh.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc giao ban, công việc từ nay đến cuối năm các cơ quan phải làm là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp bảo đảm sản xuất, bảo đảm cung hàng thiết yếu và xuất khẩu. Trong đó, chú trọng hàm lượng giá trị gia tăng cao.

“Nhân lúc trượt giá, đây là cơ hội cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi như trên với lãnh đạo của Bộ Công thương và các Sở ngành.

Bắt đầu từ việc xem xét lại cơ cấu đầu tư, các dự án không hiểu quả, có thể sẽ tính toán và cân đối lại toàn bộ hoạt động đầu tư. “Ta có thể phát triển được với số vốn đầu tư ít hơn nhưng vẫn đạt và chất lượng vẫn cao. Bằng chứng là hiện nay ta đang rà soát các dự án đầu tư chậm trễ và không hiệu quả” - ông nói.

(theo vietnamnet)