Tỷ giá USD/VND sẽ có tín hiệu mới?

VnEconomy nhận thấy, có tình huống và tín hiệu đáng để ý khi dường như nhiều ánh mắt chỉ nhìn về một hướng...

Tỷ giá USD/VND sẽ có tín hiệu mới?

Điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng không phải là một biện pháp đơn lẻ của Ngân hàng Nhà nước.

Cuối chiều 23/6, ngày thứ ba sau sự kiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD tăng thêm 1%, VnEconomy thực hiện tham vấn lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường trong thanh toán xuất nhập khẩu về tình hình mua - bán ngoại tệ.

Qua tin nhắn trao đổi diễn biến giao dịch, điện thoại cập nhật cuối ngày và chia sẻ trực tiếp của cán bộ chuyên trách, kết luận chung đưa ra: thị trường không có nhiều xáo trộn, giao dịch đã trở lại bình thường, ba ngày sau điều chỉnh.

“Dòng chảy đã được khơi thông”

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), đánh giá, sau ba ngày giao dịch, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tháo gỡ được nút thắt kỳ vọng của thị trường, dòng chảy đã được khơi thông trở lại, hoạt động mua - bán ngoại tệ tại VietinBank diễn ra thuận lợi.

Ngay cả những ngày liền trước thời điểm điều chỉnh (19/6), giao dịch có biểu hiện căng, nhưng ông Thọ cho biết VietinBank vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, thậm chí cần thiết có thể bán âm trạng thái để hỗ trợ cân đối.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cũng nhận định: “Đến hôm nay tình hình giao dịch đã trở lại bình thường như hai tuần trước khi điều chỉnh”.

Tại một ngân hàng có thị phần thanh toán xuất nhập khẩu lớn khác, dữ liệu thống kê giao dịch cho thấy các hoạt động mua - bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu trong các ngày 19 và 20/06 diễn ra bình thường, không có biến động lớn với doanh số mua bán tương ứng khoảng 97,6 và 111,9 triệu USD, nằm trong mức thông thường khoảng 90 - 120 triệu USD bình quân ngày trong thời gian gần đây.

“Tâm lý giao dịch của khách hàng theo đánh giá của chúng tôi là ổn định, không có tình trạng tranh mua hoặc mua để trả nợ trước hạn như các lần điều chỉnh trước”, lãnh đạo chuyện trách ngân hàng trên trả lời VnEconomy cùng với so sánh dữ liệu cụ thể đó.

Ông cũng bình luận rằng: “Việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm này là sự can thiệp hợp lý và kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho việc mua bán ngoại tệ cho khách hàng, khuyến khích xuất khẩu và ổn định hoạt động kinh doanh ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng, giải tỏa tâm lý cho thị trường. Việc điều chỉnh này cũng nhất quán với định hướng điều hành đưa ra”.

Trên thị trường liên ngân hàng, ngay sau khi có điều chỉnh, các giao dịch diễn ra sôi động với thanh khoản khá dồi dào. Đầu giờ ngày 19/6, ngày áp dụng mức điều chỉnh, tỷ giá USD/VND lên cao với 21.380 VND, nhưng sau đó liên tục đi xuống và cuối giờ giao dịch ổn định ở mức khoảng 21.320 USD/VND. Trong ngày 20/6 và 23/6, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giao dịch khá ổn định trong khoảng 21.315 - 21.335 VND.

Một tình huống ngược…

Như hầu hết các bình luận những ngày qua, thị trường kỳ vọng và Ngân hàng Nhà nước đã giải tỏa. Còn trong những tháng cuối năm, liệu có điều chỉnh tiếp hay không? Khi nhiều con mắt đang hướng về như vậy, một tình huống ngược cũng là đáng để ý.

Tình huống đặt ra: tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt trong những tháng cuối năm. Nếu vậy, sau điều chỉnh ngày 19/6 vừa qua, tỷ giá tưởng như đã “mập” lên một chút và chiếc áo có số đo tương đối cố định của khoảng cam kết bình ổn trở nên chật chội, thì khi hạ nhiệt sẽ “gầy” đi một chút và chiếc áo trở nên thoải mái hơn. Hay, cơ hội/dư địa để linh hoạt chính sách sẽ rộng hơn nếu nhìn cả hai chiều vận động của tỷ giá. Vấn đề là có xẩy ra hay không?

Nếu nhìn vào quá khứ, ba năm gần đây đều có những diễn biến ủng hộ. Tỷ giá USD/VND đều hạ nhiệt vào khoảng cuối năm và gối đầu năm mới. Đây cũng chính là những đợt cao điểm mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có lúc phải nâng giá mua vào để chặn đà giảm quá mức.

Dĩ nhiên, lịch sử và triển vọng 6 tháng cuối năm nay có những khác biệt nhất định, về bối cảnh và các cân đối. Vậy triển vọng sẽ thế nào?

Sớm có tín hiệu mới?

Chia sẻ ở quan điểm cá nhân, ông Lưu Tuấn Linh, Trưởng phòng Kinh doanh vốn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dự tính: tỷ giá USD/VND sẽ ổn định từ nay cho đến cuối năm.

Lãnh đạo chuyên trách này của Vietcombank đưa ra 6 lý do cho dự tính của mình.

Thứ nhất, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn diễn biến theo hướng tốt theo đó xuất siêu 6 tháng đầu năm ở mức rất tốt, ước tính khoảng 1,3-1,4 tỷ USD.

Thứ hai, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao (ước tính 35 tỷ USD). Theo đó, khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tỷ giá ổn định theo đúng định hướng điều hành và khả thi.

Thứ ba, tâm lý thị trường bao gồm cả doanh nghiệp và các ngân hàng trên thị trường ổn định, thể hiện niềm tin vào chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian qua, điểm sáng nhất trong công tác điều hành tỷ giá là nhà điều hành đã tạo lập được niềm tin của thị trường về chính sách tỷ giá mục tiêu thay vì điều chỉnh chạy theo khi tỷ giá biến động.

Thứ tư, trạng thái ngoại tệ của tổng thể các ngân hàng ước tính mức cao nhất khoảng âm 1,5 tỷ USD hiện tại xuống mức khoảng âm 700-800 triệu USD, một mức nhỏ so với dự trữ ngoại hối như nêu ở trên.

Thứ năm, việc thị trường có niềm tin vào chính sách điều chỉnh tỷ giá mục tiêu trong khi đã chủ động điều chỉnh 1% thể hiện rằng thị trường kỳ vọng sẽ không điều chỉnh nhiều trong thời gian từ giờ cho đến cuối năm 2014 (nếu có), trong khi chênh lệch lãi suất VND với USD trên thị trường trong thời gian 3-6 tháng ở mức 2-5%/năm vẫn khuyến khích nắm giữ VND. Các ngân hàng cũng thể hiện góc nhìn ổn định này thông qua việc vẫn thực hiện hoạt động "carry trade" hưởng chênh lệch lãi suất lãi suất USD/VND trong thời gian vừa qua và sắp tới.

Thứ sáu, thị trường tin tưởng vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới, qua đó tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh nhịp nhàng khối lượng và lãi suất tín phiếu các kỳ hạn từ 1-6 tháng để qua đó ổn định tỷ giá.

Như góc nhìn trên, có nhiều yếu tố hậu thuẫn cho triển vọng ổn định. Tuy nhiên, hai ngày đầu tuần này, tỷ giá lại có hơi hướng nhấp nhổm tăng. Diễn biến này dự báo sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Nhìn lại những lần điều chỉnh gần đây, ngoài việc trực tiếp tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đều có các biện pháp, công cụ điều tiết và bổ trợ khác.

Theo đó, người viết tin rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm có thêm tín hiệu và dấu hiệu mới để hướng đến một sự ổn định chắc chắn hơn, như cam kết bình ổn mà Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định.

http://techmartdanang.vn/