Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển dược liệu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Ngày 21/6, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ”.

Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 2 vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dược liệu với diện tích lớn, địa hình đa dạng, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu, thuận lợi hình thành vùng dược liệu trọng điểm. Đây cũng là nơi có hơn 50 dân tộc khác nhau sinh sống, có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây cỏ làm thuốc.

Theo khảo sát, tại Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung Bộ. Trong số đó, có nhiều loại cây dược liệu có giá trị làm thuốc, nhiều loài đã trở thành những loài đặc trưng có thế mạnh của vùng như Sâm Ngọc linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử,, Bách bệnh, Quế, Lan kim tuyến, Sa nhân, Thiên niên kiện, Nấm lim xanh… ở vùng Tây Nguyên; Bách bệnh, Sa nhân tím, Rau đắng biển, Mạn kinh, Thiên niên kiện, Xáo tam phân, Cam thảo đá bia, Sâm Phú Yên... vùng Nam Trung Bộ.

Hội nghị khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ.

Trồng cây dược liệu có giá trị cao hơn và gấp 3 – 4 lần các cây trồng khác, vì vậy, một số địa phương đã chú trọng và quy hoạch phát triển vùng dược liệu để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng: “Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là Vùng có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 02 vùng phát triển dược liệu trọng điểm.

Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng cũng đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó mà đã tạo ra được nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong vùng còn yếu kém”.

Ông Kum Dongwha  Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc trình bày tham luận tại Hội nghị

Theo báo cáo của Viện Dược liệu, hiện nay, ứng dụng KH&CN tập trung vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến được ứng dụng để đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu. Các địa phương trong vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Một số địa phương trong vùng đã xác định được một số dược liệu có thế mạnh của vùng như: Sâm ngọc linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử Ngọc Linh, nghệ… để đầu tư trong chọn tạo, sản xuất giống và bước đầu hình thành vùng trồng dược liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Một trong nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm từ dược liệu tại Hội nghị

Bàn giải pháp để đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu, PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng: Cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu.

Bên cạnh đó, cần nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO) trên tất cả vùng trồng dược liệu trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển dược liệu, tập trung vào công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số cây dược liệu có giá trị cao; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm từ dược liệu đặc trưng và có lợi thế cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Phương Thảo

https://dost.danang.gov.vn