Trong những năm qua, việc phát triển thị trường KH&CN ngày càng được Chính phủ, các địa phương quan tâm thực hiện. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước, …Tại Đà Nẵng, thị trường KH&CN bước đầu đã phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,…diễn ra sôi nổi. Những năm gần đây, thành phố đăng cai tổ chức các sự kiện lớn như Techfest, Techmart, Tech Demo, SURF... là một giải pháp cần thiết nhằm phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ, tiếp cận các chương trình trọng điểm về KH&CN cấp quốc gia.
Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường KH&CN cần tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với thị trường, nhà khoa học với doanh nghiệp. Đó là sự kiên kết giữa bên cung và bên cầu của thị trường khoa học và công nghệ. Nguồn cung của thị trường có thể từ việc chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch từ nước ngoài hoặc từ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, cá nhân, … trong nước. Nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ được thể hiện qua năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Do đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ,... Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hoá cũng như quy chuẩn môi trường. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ thông qua các tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ, sản phẩm được tạo ra trong nước công bố, trình diễn, giới thiệu, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều nguy cơ phức tạp thì giải pháp triển lãm thực tế ảo sẽ giảm thiểu các rủi ro, đồng thời mang đến hiệu quả về chi phí, thời gian xây dựng nhanh chóng và khả năng kết nối, mở rộng quy mô tham quan ra khỏi phạm vi địa lý tỉnh thành, quốc gia.
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng được giao thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng giải pháp triển lãm thực tế ảo trong hoạt động phát triển thị trường KH&CN của thành phố Đà Nẵng”, với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ triển lãm ảo để giúp các viện trường, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN, startups có thể giới thiệu các sản phẩm, công nghệ trong môi trường ảo, rất phù hợp với tình hình dịch bệnh không cho phép tập trung đông người, nhưng đảm bảo được hiệu quả lan toả, phổ biến rộng khắp đến người tham quan trưng bày, thu hút lượng khán giả nhiều hơn bằng cách loại bỏ tất cả các hạn chế về địa lý. Đồng thời, thông qua hoạt động triển lãm ảo sẽ giúp cho hoạt động kết nối giữa nguồn cung và nguồn cầu khoa học và công nghệ thêm chặt chẽ, thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, giúp phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố.
Triển lãm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Đà Nẵng dựa trên nền tảng thực tế ảo gồm có 2 khu vực chính là khu vực triển lãm và khu vực Hội thảo. Khu vực Hội thảo với 3 phòng Hội thảo chuyên đề, nơi các diễn giả, chuyên gia trình bày, nhận định các xu thế phát triển của khoa học công nghệ, của công nghệ, sản phẩm hàng hoá. Khu vực triển lãm với số lượng các gian hàng không hạn chế tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề tham gia trưng bày. Để tham gia vào triển lãm, người dùng phải đăng ký và được chia theo 3 cấp độ khác nhau là thành viên Ban tổ chức, doanh nghiệp tham gia trưng bày và khách tham quan.
Khi tham gia triển lãm, khách tham quan còn có cơ hội được nhận các phần quà may mắn được gắn trên đường tham quan. Việc tham quan các gian hàng cũng dễ dàng thông qua các con lăn hồi chuyển hoặc bằng kính 3D, có danh sách các gian hàng ở từng lĩnh vực để người tham quan lựa chọn. Đồng thời, người tham quan dễ dàng tiếp nhận thông tin đầy đủ về doanh nghiệp thông qua các thẻ thông tin, video giới thiệu sản phẩm hay có thể tương tác qua công cụ chat.
Đối với các doanh nghiệp tham gia trưng bày cũng sẽ thu hút được lượng người tham dự sự kiện lớn và đa dạng hơn, nhiều khách hàng tiềm năng lớn hơn. Khách hàng tham quan có thể tiếp xúc nhanh chóng với doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng thương lượng và hoàn tất các giao dịch tiềm năng, tăng khả năng chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.
Các số liệu báo cáo sau triển lãm có thể giúp Ban tổ chức nắm rõ: số người tham dự, các gian hàng được quan tâm, đánh giá, số lượng lượt xem nội dung và lượng tải xuống, số lượng tương tác giữa khách tham quan và các doanh nghiệp tham gia triển lãm, …từ đó đánh giá được hiệu quả, sự thành công của triển lãm. Triển lãm có thể kéo dài nhiều ngày, điều này cho phép sự tham quan, trưng bày, chia sẻ thông tin có sẵn, lưu trữ được lâu hơn.
Sau khi tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nhà thầu, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể quản lý và vận hành nền tảng triển lãm một cách hiệu quả. Thông qua các nhiệm vụ do Sở Khoa học và Công nghệ giao hàng năm, Trung tâm có thể tổ chức trung bình 2-3 sự kiện triển lãm giới thiệu công nghệ, thiết bị khoa học và công nghệ, kết nối cung cầu, … Đồng thời, Trung tâm có thể hợp tác, kết nối với các Hiệp hội doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau để tổ chức các triển lãm công nghệ, thiết bị chuyên đề theo từng ngành. Ngoài ra, một nhiệm vụ rất là quan trọng là Trung tâm sẽ tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Surf hàng năm nhằm giúp các doanh nghiệp KHCN, starup giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp thành phố, vùng và quốc gia.
Việc ứng dụng giải pháp triển lãm thực tế ảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN, dự án khởi nghiệp sáng tạo quảng bá sản phẩm, dịch vụ KHCN sẽ tạo điều kiện kết nối cung cầu, ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị,… góp phần phát triển thị trường KHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Huỳnh Sang