Ưu đãi vượt khung cho Samsung Bắc Ninh là dựa trên “tiền lệ”

UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn giải trình với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những ưu đãi trong giai đoạn 1 của dự án tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh, theo đó các ưu đãi đã được áp dụng dựa theo một tiền lệ trước đó.

 

Ưu đãi vượt khung cho Samsung Bắc Ninh là dựa trên “tiền lệ”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khánh thành nhà máy của Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh.



Cụ thể, công văn số 50/BKHĐT-QLKKT ngày 03/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo về việc ưu đãi vượt khung đối với dự án Samsung tại Bắc Ninh, “việc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 3 năm tiếp theo kể từ khi hết thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, phần đầu tư 670 triệu USD”. 

Về nội dung này, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng trong quá trình Samsung tìm hiểu đầu tư vào khu công nghiệp Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh; UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Tờ trình số 1798/TTr-UBND ngày 31/12/2007, báo cáo và xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ về việc ưu đãi đầu tư dự án sản xuất điện thoại di động và các thiết bị viễn thông của tập đoàn này.

Ngày 4/2/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn số 818/VPCP-QHQT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương ưu đãi đầu tư dự án sản xuất điện thoại di động của công ty Samsung. Trong công văn này nêu rõ việc “đồng ý về nguyên tắc chủ trương xem xét ưu đãi đầu tư dành cho dự án sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và thiết bị viễn thông của công ty Samsung với mức độ và cơ chế ưu đãi tương tự đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng đối với dự án đầu tư của tập đoàn Compal (Đài Loan) tại văn bản số 3472/VPCP-QHQT ngày 22/6/2007 của Văn phòng Chính phủ.”

Theo văn bản số 3472/VPCP-QHQT, tỉnh Vĩnh Phúc được “cho phép áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án”.

“Đối với các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép dự án được hưởng thời hạn ưu đãi miễn thuế tương đương với thời gian 10 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; phần chênh lệch (nếu có) về mức ưu đãi so với quy định hiện hành (miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo) do UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền.”

Căn cứ công văn số 818/VPCP-QHQT, ngày 11/3/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 1596/BKH-KCN&KCX về việc dự án sản xuất điện thoại di động và thiết bị viễn thông của Samsung, và từ đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký kết bản thoả thuận phát triển dự án với Samsung.

Ngày 5/4/2008, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Tờ trình số 16/TTr-UBND đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về việc ưu đãi đầu tư dự án Samsung Electronics Việt Nam của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ngay sau đó một tuần, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 107/2008/NQ-HĐND16 về việc ưu đãi đầu tư đối với dự án của Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong 1; trong đó nêu rõ: “Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho 3 năm tiếp theo của công ty Samsung kể từ khi hết thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Như vậy, theo UBND tỉnh Bắc Ninh, việc ưu đãi giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho 3 năm tiếp theo kể từ khi hết thời hạn ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết cho Samsung được hưởng là căn cứ vào ý kiến chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hiện chưa rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư “tiếp nhận” ý kiến giải trình này như thế nào, tuy nhiên nếu theo ý kiến của Bắc Ninh, thì các chính sách ưu đãi đã được Chính phủ đồng ý, và lẽ ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã biết.

Và nếu như vậy, yêu cầu địa phương phải giải trình về một nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và lẽ ra chính mình, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về đầu tư nước ngoài, cũng phải biết, là một hành động khá… khó hiểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư!