“Vị đắng” ôtô, xe máy 2012

Chưa bao giờ ngành ôtô Việt Nam lại rơi vào trạng thái uể oải, rệu rã về sản xuất và suy kiệt về sức mua như năm 2012. Gần trọn một năm sắp trôi qua, những “vị đắng” vẫn còn đọng lại rõ nét.

Trập trùng thuế, phí


Ngày đầu tiên của năm, thị trường ôtô lớn thứ hai cả nước là Hà Nội đã phải đón nhận một “toa thuốc đắng”: Tăng mức lệ phí trước bạ từ 12% lên 20%, kèm theo đó là phí cấp biển số tăng gấp 10 lần, từ 2 triệu đồng lên mức 20 triệu đồng.

“Vị đắng” ôtô, xe máy 2012


Sau đó không lâu, đến lượt Tp.HCM và một số thành phố lớn khác cũng tiến hành tăng lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lên mức phổ biến 15% theo quy định của Thông tư 124 do Bộ Tài chính ban hành tháng 10/2011.

Ba tháng sau, ngày 13/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Để thực hiện nghị định này, ngành giao thông và tài chính đã phối hợp để soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện thu loại phí sử dụng đường bộ với mức áp lên ôtô từ 2,09 triệu đồng đến 16,76 triệu đồng/xe/năm.

Theo kế hoạch, loại phí này sẽ bắt đầu thu từ ngày 1/6, song sau đó đã quyết định lùi lại đến ngày 1/1/2013 và thực tế mức thu cũng được điều chỉnh giảm xuống khá mạnh so với dự kiến.

Cộng với hai loại phí là phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố mà ngành giao thông đề xuất trước đó, nếu thu đúng theo kế hoạch, mặt hàng ôtô sẽ phải cùng lúc chịu ít nhất 10 loại thuế, phí.

Mặc dù thực tế trong năm 2012 chỉ có lệ phí trước bạ và phí cấp biển số tăng lên nhưng trong bối cảnh thị trường vốn đã khó khăn, ảm đạm kéo dài thì chỉ cần nghe một tiếng ho thôi, cũng đủ khiến cơ thể - thị trường vốn đã yếu ớt càng thêm rụng rời. Những trập trùng thuế, phí ấy, dù đã – đang – sắp – hay có thể sẽ thu, mặt nào đó, có thể xem như những “toa thuốc đắng” được kê chưa đúng bệnh.

Góc khuất triển lãm

Như thường niên, các kỳ triển lãm ôtô luôn sắm vai trò rất quan trọng đối với thị trường, đối với các nhà sản xuất, phân phối.

Một thị trường ôtô còn nhỏ bé như Việt Nam, việc mỗi năm có đến 5-6 kỳ triển lãm diễn ra rải rác hẳn là quá nhiều. Cũng vì lẽ đó, nó càng dễ thể hiện sự manh mún, để lộ sự thiếu chuyên nghiệp. Và trong một năm mà thị trường luôn phải đối mặt với những khó khăn thì chỉ cần một góc khuất nhỏ thôi cũng đủ làm loang bóng tối đến mọi ngõ ngách.

Sự kiện AutoExpo 2012 diễn ra hồi tháng 6 hẳn rất đáng nhớ bởi lẽ nó quá ấn tượng. Một sự hy hữu xưa nay hiếm là tại một kỳ triển lãm ôtô như thế lại xuất hiện những sản phẩm gia dụng vốn dĩ chẳng liên quan gì đến xe cộ, đó nào là xoong, chảo, bếp từ, máy xay sinh tố...

Có ý kiến cho rằng, cái sự chẳng đặng đừng ấy cũng bị bó bởi chính cái khó mà thị trường ôtô phải gánh chịu. Bản thân các nhà tổ chức triển lãm cũng buộc phải bấu víu thêm chút nào hay chút nấy để cứu doanh thu, để lấp bớt chỗ trống cho các gian hàng.

Từ AutoExpo 2012 nhìn ra cũng thấy thêm một sự băn khoăn. Bởi 2012 chính là năm đầu tiên Vietnam Motor Show đón nhận sự tham gia của các nhà nhập khẩu ngoài Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Bị “rút ruột” nhiều thành viên vốn lâu nay góp phần quan trọng cho sự duy trì và phát triển, thì toàn bộ các triển lãm AutoExpo, AutoPetrol hay AutoTech rơi vào tình cảnh tương tự hoặc thậm chí buộc phải khai tử xem ra cũng cần nhận được sự thông cảm.

Có thêm 6 nhà nhập khẩu, quy mô của Vietnam Motor Show 2012 tăng gấp đôi lên 12 hãng xe tham gia so với kỳ triển lãm 2011. Đó là một niềm vui, với cả các hãng xe lẫn người tiêu dùng, song không phải vì thế mà kỳ triển lãm ôtô lớn nhất từ trước tới nay không có những điểm đáng buồn. Một vụ tai nạn diễn ra ngay trong khuôn viên triển lãm, cảnh tượng nhiều người dân trà trộn vào cướp quà lộn xộn diễn ra trong ngày báo chí, các gian hàng “đá” nhau khi phô trương những màn trình diễn khiến khách tham quan tức anh ách... Những góc khuất ấy, có người nói, một phần xuất phát từ những thiếu sót của đơn vị tổ chức.

Năm của “thần lửa”


Điểm đặc biệt trong năm 2012 là số vụ cháy xe bỗng tăng đột biến. Theo thống kê, đã có đến 552 vụ cháy xe xảy ra chỉ trong 9 tháng, trong đó số vụ cháy ôtô là 252, số vụ cháy xe máy là 300, một con số kỷ lục.

Đáng lưu ý là suốt một quãng thời gian khá dài, dù có sự tham gia điều tra của nhiều ngành và bản thân các hãng xe song nguyên nhân thật sự gây nên tình trạng cháy xe dày đặc vẫn còn nằm trong trạng thái... nghi vấn.

Do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất? Không phải, vì những xe cháy mang rất nhiều thương hiệu khác nhau. Do người tiêu dùng sử dụng sai quy cách? Cũng chưa hẳn, bởi nếu thế thì chẳng có chuyện tự dưng năm 2012 người tiêu dùng mới đua nhau làm sai? Vậy do chuột cắn? Nguyên nhân này xem ra cũng có phần oan cho loài chuột. Hay là do xăng, dầu? Đây là điều khiến nhiều người nhận thấy có lý nhất.

Đầu tháng 11, Bộ Công Thương đã công bố kết quả điều tra do một số ngành liên quan thực hiện, trong đó nguyên nhân chất lượng nhiên liệu đã được đánh giá là một trong những nguyên chính. Thực chất, ngay từ những vụ cháy đầu tiên, bản thân nhiều người tiêu dùng đã nghi ngờ. Và sau khi “thủ phạm chính” bị thừa nhận, những vụ người tiêu dùng tá hỏa khi phát hiện mình mua phải xăng, dầu chất lượng rởm ngày càng nhiều thì xem ra, nhiên liệu kém chất lượng khó lòng thoát tội rước về “thần lửa”.

Chính chủ, chính danh


Ngay tại thời điểm này, có lẽ câu chuyện xe chính chủ vẫn còn là đề tài nóng nhất, được quan tâm nhất.

Đã từ lâu rồi, hành vi chuyển nhượng phương tiện nhưng không sang tên, đổi chủ vẫn có trong hệ thống quy định pháp luật nhưng mức phạt được đánh giá là nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, Nghị định 71 được Chính phủ ban hành đã tăng cao mức phạt với hành vi này. Quy định tăng phạt cộng với cách gọi “chính chủ” là một nguyên nhân lớn khiến câu chuyện càng trở nên nóng hổi.

Nhiều người nói, đã có chính thì phải có phụ, vậy phụ chủ thì thế nào? Rồi lại đến chuyện không chính chủ nhưng chính danh thì sao? Đó là việc vợ chồng, con cái đi xe của nhau, đó là chuyện nhiều người đi chung một xe.

Quy định nêu rõ là phạt hành vi chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, nhưng khi bị kiểm tra giấy tờ thì chứng minh thế nào? Không chứng minh được thì bị phạt cái lỗi mà mình không hề có. Đây chính là điểm khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng. Hơn nữa, tỷ lệ xe không chính chủ hiện nay là rất lớn, trong đó có vô số trường hợp không thể thực hiện sang tên đổi chủ được nữa. Vậy giải quyết tình trạng này thế nào?

Vài ngày nữa là quy định thu phí sử dụng đường bộ có hiệu lực (ngày 1/1/2013), bản thân quy định này hẳn sẽ gặp khó bởi câu chuyện chính chủ. Với ôtô còn dễ, với xe máy thì quả thực khó giải quyết. Bởi lẽ, từng có thông tin cho rằng quá nửa xe máy hiện nay lưu hành không do người đứng tên chủ sở hữu sử dụng. Và khi những người sử dụng này nhất định không nộp phí do mình không phải chính chủ trong khi quy định thu được căn cứ theo chủ sở hữu phương tiện thì giải quyết ra sao?

Quả thực là một bài toán khó.

Sụt giảm thê thảm

Năm 2012, thị trường ôtô Việt Nam đã phải chứng kiến sự sụt giảm thê thảm về sức mua. Theo báo cáo của VAMA, tổng lượng ôtô bán ra trên toàn thị trường trong 11 tháng chỉ đạt con số 82.654 xe, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 71.860 xe, cùng chịu mức giảm tương tự.

Đáng chú ý là ngoại trừ tháng 11 (và có thể thêm tháng 12 do chưa có số liệu thống kê), sản lượng bán hàng ôtô tất cả các tháng còn lại đều phải gánh chịu sự sụt giảm thê thảm khi so sánh với cùng kỳ của năm liền trước. Thậm chí còn có những tháng liên tiếp sụt giảm khi so sánh kề vai nhau.

Nguyên nhân khá rõ ràng. Đó là do ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung. Khi doanh nghiệp đói vốn, cả trăm nghìn doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản; khi người dân phải thắt chặt chi tiêu đến cả những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày... thì một sản phẩm vốn bị coi là xa xỉ như ôtô khó bán khó mua âu cũng là lẽ thường.

Nhưng còn một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là ngay trong khi kinh tế khó khăn, thị trường ảm đạm thì ôtô lại bị đẩy vào giữa muôn trùng thuế, phí. Cho dù cuối cùng có loại phí được hoãn thu, có loại phí chưa biết bao giờ thu, chỉ có mỗi lệ phí trước bạ đã tăng ngay từ ngày đầu năm, thì bản thân những “dự định” thu đã khiến sức mua vốn èo uột càng trở nên bi kịch, bi kịch của tâm lý tiêu dùng.

Ở câu chuyện này, đã có thời điểm thuế, phí bị coi là “tội đồ” khiến thị trường suy giảm. Và theo cách đánh giá của mấy doanh nghiệp ôtô về chuyện ngân sách bị thất thu lớn do thị trường ôtô sụt giảm mạnh thì đó được xem như một kiểu nói “bóng bẩy” mang ý nghĩa thiếu tích cực về mục tiêu thu, tăng thu thuế, phí nhằm thúc đẩy nguồn ngân sách eo hẹp.