Vì sao Bangkok ngập lụt nghiêm trọng?

Người dân Thái bám vào dây thừng để chống chọi nước lũ hôm 25/10. Ảnh:nationmultimedia.com.

Nước lũ đang bao vây thủ đô Bangkok của Thái Lan từ mọi phía. Don Muang, sân bay lớn thứ hai đất nước và là điểm tập trung của hàng cứu trợ, buộc phải đóng cửa hôm 25/10 khi nước lũ lên cao. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cảnh báo nếu hệ thống đê bao vỡ, nước lũ có thể dâng cao đến 1,5 mét tại một số nơi trong trung tâm Bangkok. Đợt lũ sẽ còn kéo dài thêm ít nhất 4 tuần nữa.

Đợt ngập lụt lịch sử hiện nay khiến nhiều người dân Bangkok ngạc nhiên, song giới khoa học đã thấy trước hiện tượng này từ lâu.

Bangkok – thủ đô 240 tuổi của Thái Lan – còn được gọi là "thành phố của những thiên thần". Nằm trên vùng châu thổ sông Chao Phraya, nó là một trong những thành phố lớn trên thế giới đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm thường xuyên khi nước biển dâng. Nguyên nhân là từ khi Bangkok ra đời tới nay, nước dành cho sinh hoạt và sản xuất chủ yếu được lấy từ các giếng trong thành phố. Do lượng nước ngầm giảm dần, đất phía trên lún xuống khiến độ cao của Bangkok giảm dần theo thời gian.

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) thông báo vùng châu thổ Chao Phraya đang lún với tốc độ từ 5 tới 15 cm mỗi năm do mực nước ngầm giảm. 

Hãng thông tấn Inter Press dẫn kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, tốc độ chìm của Bangkok có xu hướng giảm trong thời gian gần đây do các luật mà chính phủ ban hành. Tuy nhiên, thành phố lại đối mặt với nguy cơ ngập lụt do mực nước biển dâng và những cơn mưa lớn vào mùa mưa - hai hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Một báo cáo của WWF khẳng định Bangkok nằm trong danh sách những thành phố chịu tác động nhiều nhất từ hiện tượng ấm lên toàn cầu. Dhaka, Manila và Jakarta đứng đầu danh sách. Bangkok được xếp ở nhóm có nguy cơ trung bình, cùng với các thành phố Hồ Chí Minh, Calcutta, Phnom Penh.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng dự đoán Bangkok sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai do biến đổi khí hậu và hiện tượng lún của đất.

Giáo sư Danai Thaitakoo, một nhà nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn tại Thái Lan, tin rằng hàng năm Bangkok đều đối mặt với nguy cơ bị ngập nặng. Ông cho rằng khả năng quy hoạch đô thị kém và hiện tượng lấp kênh mương để lấy đất xây dựng là nguyên nhân.

“Bangkok từng được mệnh danh là Venice của phương Đông nhờ hệ thống kênh của nó. Nhưng ngày nay điều đó đã thay đổi”, vị giáo sư phát biểu.

Người dân Bangkok lội nước để sơ tán. Ảnh: The Nation.
Thủ tướng Thái Lan thông báo nguy cơ Bangkok bị ngập hoàn toàn là 50%. Ảnh: The Nation.

Nguy cơ ngập lụt đối với Bangkok hình thành từ ba yếu tố: mưa lớn, thủy triều cao và sự dâng lên của sông Chao Phraya. Khi cả ba yếu tố kết hợp với nhau, nước nhấn chìm Bangkok và chia nó thành nhiều phần. Cơ sở hạ tầng hiện tại của Bangkok không thể chống được sự kết hợp của ba yếu tố đó.

Samith Dharmasaroja, cựu tổng giám đốc Cơ quan Khí tượng quốc gia, tin rằng chính phủ không còn nhiều thời gian để cứu Bangkok. 

“Toàn bộ khu vực thuộc trung tâm Bangkok sẽ bị ngập. Đó là vấn đề sẽ xảy ra trong vòng 15 tới 20 năm nữa”, ông nhận định.

Tiến sĩ Bhijit Rattakul, cựu thị trưởng Bangkok và đang giữ chức giám đốc Trung tâm Chuẩn bị đối phó thảm họa châu Á, nói rằng Bangkok bị đe dọa bởi cả hiện tượng nước biển dâng và nước ngọt từ các tỉnh phía Bắc.

“Chúng tôi không thể xả nước ngọt từ phía bắc ra biển. Vì thế trong tương lai Bangkok sẽ chìm trong nước trong nhiều ngày trước khi chúng tôi có thể bơm nước ra ngoài”, ông nói.

Ông Bhijit khuyên chính phủ tăng cường nhận thức của người dân về những tác động lâu dài của lũ lụt đối với Bangkok. Tuy nhiên, ông Danai sợ rằng việc đó sẽ vấp phải sự phản đối của giới xây dựng và đầu tư bất động sản.

“Nếu chính phủ cố gắng nâng cao nhận thức của người dân, sự phát triển kinh tế có thể giảm do lĩnh vực bất động sản hứng chịu tác động xấu”, Danai bình luận.