Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Những nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ California (Caltech) đã phát triển một loại chip có khả năng tự hồi phục bản thân chỉ vài mili giây sau khi gặp những vấn đề như sụt nguồn hay hỏngtransitor. Con chip này nhỏ chỉ bằng một đồng xu nhưng bên trong có chứa nhiều cảm biến để theo dõi điện áp, công suất, cường độ dòng điện, nhiệt độ. Một mạch tích hợp (IC) đặc biệt đóng vai trò như một "bộ não" cũng được đưa vào chip và nó sẽ xác định lỗi dựa vào những thông số nói trên. Khi có vấn đề xảy ra, 76 bộ khuếch đại (amplifier) sẽ kết hợp với các bộ điều tiết để tinh chỉnh lại hệ thống, từ đó giúp chip vẫn hoạt động được.
Các kĩ sư không lập trình hết mọi tình huống cho IC nói trên, thay vào đó, nó sẽ tự phân tích dữ liệu lấy từ các cảm biến rồi so sánh với số liệu mẫu khi chạy ổn định. Nếu cảm thấy các số liệu cao hơn hoặc thấp hơn mong muốn, IC tự biết cách ra lệnh cho hệ thống điều chỉnh lại cho phù hợp. Nhờ biện pháp này mà chip của Caltech đã giải quyết được bốn vấn đề chính: 1) biến thiên tĩnh điện gây ra do sự khác biệt của các thành phần trong chip; 2) lão hóa do sự biến đổi tính chất của các linh kiện nội bộ; 3) sự thay đổi của các điều kiện môi trường và 4) tổn thất gây ra (vô tình hoặc cố ý) đối với một phần mạch điện.
Caltech đã trình diễn nhiều tình huống khác nhau để làm tổn hại đến chip, và chúng đều tự phục hồi để tiếp tục công việc của mình. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn sử dụng laser năng lượng cao để phá hủy nhiều bộ khuếch đại nhưng chip vẫn chứng tỏ được khả năng của mình. Ngoài ra, các kĩ sư sử dụng IC thế hệ mới có tốc độ cao, điều đó chứng tỏ rằng việc tự phục hồi vẫn có thể áp dụng cho những hệ thống hiện đại.