Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Tập đoàn Masan), ngày 25/1/2013, BI Private Equity New Markets II K/S, một công ty đầu tư được quản lý bởi BankInvest, đã mua cổ phiếu ưu đãi bắt buộc chuyển đổi của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Tài nguyên Masan).
Các nhà đầu tư mới ra mắt và đưa ra cam kết mạnh mẽ đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án Núi Pháo vào tháng 6/2010.
Tổng số tiền cho giao dịch là 521 tỷ đồng, tương đương mức giá 32.744 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ưu đãi bắt buộc chuyển đổi này sẽ được thanh toán cổ tức từ 3% đến 10%/năm trên tổng số tiền đầu tư và bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong vòng 4 năm.
Trước đó, ngày 16/3/2011, Mount Kellett Capital Management LP, thông qua công ty MRC Limited, đã đăng ký mua cổ phiếu mới của Tài nguyên Masan với giá trị 100 triệu USD, tương đương 2.059 tỷ đồng. Với số tiền bỏ ra nêu trên, nhà đầu tư này đã nắm 20% lợi ích trong Tài nguyên Masan.
Khi đó, cùng với giao dịch này, Tập đoàn Masan đầu tư 487,5 tỷ đồng vào Tài nguyên Masan để mua cổ phiếu phổ thông mới phát hành, tổng hợp lại làm suy giảm lợi ích của Tập đoàn Masan trong Tài nguyên Masan từ 80% xuống 65%.
Theo hợp đồng, Tài nguyên Masan cũng cấp cho nhà đầu tư quyền bán 20% quyền sở hữu đổi lấy cổ phiếu của công ty này trong trường hợp công ty chưa niêm yết trong vòng 4 năm rưỡi sau khi kết thúc giao dịch.
Số cổ phiếu phát hành trong trường hợp quyền bán được thực hiện sẽ căn cứ theo giá giao dịch cổ phiếu của công ty này và số lượng cổ phiếu để cho phép nhà đầu tư thu được tỷ lệ sinh lời nội bộ hàng năm là 15%, dựa trên số tiền USD đầu tư.
Tài nguyên Masan hiện là đơn vị quản lý Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Đến cuối năm 2012, Tập đoàn Masan còn trực tiếp nắm 65% cổ phần hai công ty này.
Đáng chú ý, mỏ Núi Pháo được cấp phép đầu tư cho công ty Tiberon Minerals Pte. Ltd (Canada) vào năm 2004. Đến tháng 2/2007, Tiberon Minerals sau khi chuyển giao dự án cho Dragon Capital, đã chia tay Núi Pháo sau 10 năm theo đuổi kể từ khi thăm dò tới khi được cấp phép đầu tư. Đến năm 2010, dự án được chuyển nhượng cho Tập đoàn Masan.
Tại lễ tái khởi động dự án Núi Pháo tổ chức chiều 18/6/2010 tại Thái Nguyên, lãnh đạo Tập đoàn Masan chính thức tuyên bố đã nắm giữ 100% cổ phần và chuyển đổi Công ty Liên doanh Nuiphaovica thành Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, sau khi hoàn tất mua cổ phần từ các đối tác nước ngoài.
Cũng tại buổi lễ động thổ nêu trên, nhà đầu tư mới của Núi Pháo cũng đã đưa ra lộ trình cam kết triển khai dự án để đến quý 4/2012 sẽ hoàn thành công tác xây dựng mỏ, nhà máy tuyển để có những tấn sản phẩm tinh quặng đầu tiên. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương mới đây, lãnh đạo Tài nguyên Masan cho hay dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa tháng 4/2013.
Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã đầu tư trên 8.500 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, đầu tư nhà máy và thực hiện công tác an sinh xã hội. Theo tính toán, dự án sẽ hoạt động trong vòng khoảng 20 năm, kể từ năm 2014 đơn vị sẽ đầu tư chế biến sâu trước khi xuất khẩu.
Trong một động thái đáng chú ý khác, theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Tập đoàn Masan (tổ chức tại mỏ Núi Pháo), một trong những nội dung quan trọng là báo cáo cổ đông về việc phát hành cổ phần cho hai đối tác nước ngoài gồm Jade Dragon (Mauritius) Limited do Goldman Sachs quản lý và Vietnam Resource Investments (Cayman) Limited do Dragon Capital Group quản lý.
Theo đó, Tập đoàn Masan sẽ phát hành không quá 38.770.465 cổ phần nhằm tất toán các nghĩa vụ của Tập đoàn Masan theo các thỏa thuận với Jade Dragon vào tháng 11/2010 và thỏa thuận với Vietnam Resource Investments vào tháng 9/2010. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014.