Xây dựng và chia sẻ dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo

Trên thế giới và tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nó tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Để hiểu rõ hơn về vai trò của việc ứng dụng AI tại Việt Nam, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy.

Phóng viên (PV): Thưa ông, vai trò việc ứng dụng AI trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Tại Việt Nam, AI đã được nghiên cứu và phát triển trong các trường học và viện nghiên cứu nhằm giải các bài toán đặc thù Việt Nam như nhận dạng chữ viết, văn bản, tiếng nói tiếng Việt, hiểu và phân tích văn bản tiếng Việt. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam thì AI được xem là công nghệ cốt lõi, nó được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế-xã hội trọng yếu, như: Y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp… Việc phát triển AI tại nhiều quốc gia được xem là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng không năm ngoài xu hướng phát triển này.

PV: Hiện nay, việc phát triển AI tại Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Việt Nam đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc. Đó là dân số trẻ, nhiều người hứng thú với công nghệ mới, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước... Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế. Đây là những tiền đề, nền tảng quan trọng góp phần đưa các ứng dụng của AI phát triển ở quy mô tổng thể để xây dựng và vận hành một nền kinh tế AI bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển AI, đó là chưa có nhiều dữ liệu lớn, chưa có nguồn lực mạnh, chưa có cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới về AI và chưa có nhiều doanh nghiệp làm về AI. Tôi mong rằng đối với công nghệ số, AI chúng ta sẽ phải khơi gợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng nhau chia sẻ dữ liệu để xây dựng AI và dữ liệu lớn.

Tập đoàn Công nghệ Bkav giới thiệu thiết bị nhà thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

PV: Để phát triển AI thì việc xây dựng và chia sẻ dữ liệu lớn là rất quan trọng. Hiện nay, ở Việt Nam vấn đề này đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Muốn có sản phẩm AI thì phải có dữ liệu lớn, do vậy, có doanh nghiệp mất nhiều năm để giải quyết bài toán về thu thập dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn, như: Hành vi mạng xã hội, hành vi tiêu dùng, lịch sử trả nợ... Có những doanh nghiệp để có nguồn dữ liệu nhanh nhất thì họ phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại dữ liệu từ doanh nghiệp khác. Điều hạn chế của Việt Nam hiện nay là chưa có độ mở chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Mặt khác, làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển của những công nghệ mới như AI và quyền riêng tư của người dùng khi chia sẻ dữ liệu cũng đặt ra bài toán khó cho nhà quản lý.

Để giải quyết bài toán về dữ liệu lớn, Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18-5-2017. Đầu năm 2018, "Hệ tri thức Việt số hóa" được khởi động và giao Bộ KH&CN chủ trì thực hiện. Đây là một đề án tổng hợp, tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau để phục vụ phát triển AI. Hiện nay, số lượng dữ liệu mở được thu thập là rất lớn và không ngừng gia tăng.

PV: Phát triển AI tại Việt Nam cần cả 3 trụ cột là: Nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Làm thế nào để tập hợp được cả 3 nguồn lực này, từ đó tạo ra những sản phẩm cụ thể, phù hợp với Việt Nam, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Bộ KH&CN đã đặt mục tiêu nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng để tạo ra một số sản phẩm cụ thể. Các nghiên cứu này sẽ hướng đến việc thúc đẩy triển khai nghiên cứu của các viện, trường theo đặt hàng của doanh nghiệp, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Viện và trường sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu, doanh nghiệp là nơi tiếp nhận và phát triển sản phẩm. Chúng tôi cũng hướng đến việc xây dựng và chia sẻ năng lực tính toán, phải có hệ thống máy móc dùng chung. Dự kiến một số viện, trường trọng điểm sẽ được đầu tư hệ thống này.

Hiện tại, Bộ KH&CN đang tiếp tục làm việc với các nhóm chuyên gia chủ chốt về AI để cùng nhau xác định và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên. Chúng tôi cũng làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp triển khai và lồng ghép các chương trình. Mong muốn của Bộ KH&CN là có những bước đi thực tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để kế hoạch phát triển AI có tính khả thi, đạt được hiệu quả đề ra. Bên cạnh đó, bộ cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái AI và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp với xu hướng thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

(Theo: Báo điện tử Quân đội nhân dân – Ngày đưa tin: 17/8/2019)