Xếp hạng siêu máy tính mới - Nhật Bản vững ngôi đầu

Ngày 14/11/2011, Hội nghị quốc tế về điện toán hiệu suất cao SC11 ở Seatle (Mỹ) đã công bố xếp hạng 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới lần thứ 38.

Sau nửa năm, hiệu suất tính toán tổng của "Top 500" tăng từ 58,7 Pflops lên 74,2 Pflops. Ngưỡng để lọt vào "Top 500" với một siêu máy tính là 50,9 Tflops.

Giống như lần xếp hạng trước, dẫn đầu danh mục xếp hạng là siêu máy tính Nhật Bản "K Computer" do Fujitsu sản xuất. Với lần xếp hạng mới, hiệu suất của nó tăng từ 8,77 Pflops lên 11,28 Pflops. Theo hệ thống benchmark Linpack, K Computer đạt 10,5 Pflops. K Computer trở thành máy tính đầu tiên vượt được ngưỡng 10 Pflops.

Thứ tự và năng suất tính toán của những siêu máy tính trong top 10 khác từ tháng 6 đến nay không có gì thay đổi. Xếp thứ hai là hệ thống Tianhe-1A của Trung Quốc với tốc độ cao nhất 4,7 Pflops và tốc độ thực 2,7 Pflops. Xếp thứ ba là hệ thống của Mỹ Jaguar với các thông số tuần tự 2,3 và 1,76 Pflops.

Liên quan đến các hệ thống siêu máy tính của Nga, siêu máy tính Lomonosov mạnh nhất nước này được lắp đặt ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) trượt dài từ thứ hạng 13 xuống 18. Từ lần xếp hạng trước đến giờ, hiệu suất của nó không thay đổi và là 1,3 Pflops (hiệu suất đỉnh). Trong thời gian tới, người ta sẽ nâng cấp nó và tốc độ tính toán của nó sẽ lên tới 1,6 Pflops. Vị trí xếp hạng cao nhất của siêu máy tính Lomonosov là thứ 12 trong "Top 500" vào tháng 11/2009. Nếu trong lần xếp hạng trước, Nga có 12 siêu máy tính thuộc "Top 500" thì nay chỉ còn 5 và đất nước này đang từ thứ hạng 7 xuống xếp hàng 9 trong các quốc gia sở hữu siêu máy tính của thế giới.

Số siêu máy tính của Đức bị giảm, từ 30 xuống còn 20 trong "Top 500". Trong khi đó, số lượng siêu máy tính của Trung Quốc và Nhật lọt vào danh sách lại tăng, lần lượt từ 61 lên 74 và từ 26 lên 30. Trong các lần xếp hàng gần đây, Mỹ liên tục mất đi số lượng siêu máy tính nằm trong danh sách, nhưng lần này tăng từ 255 lên 263 và vẫn là vô địch về số siêu máy tính của thế giới.

Một chi tiết đáng để ý khác là trong danh sách mới, số siêu máy tính sử dụng GPU tăng đôi từ 17 lên 39. Theo danh mục mới, 76,8% hệ thống siêu máy tính sử dụng chip Intel; sau đó là các siêu máy tính sử dụng CPU AMD (12,6%). 62% siêu máy tính xây dựng trên các bộ xử lý từ 6 nhân trở lên, theo các nhà lập danh sách.

Thú vị nhất là trong danh sách chỉ còn 1 hệ thống sử dụng hệ điều hành của Microsoft cho siêu máy tính. Trong danh sách trước và các kỳ trước vẫn còn 3-4 hệ thống như vậy. Số siêu máy tính chạy Linux vẫn giữ nguyên bằng 457 so với lần xếp hạng trước.