Đã có được thị trường, có được nhà đầu tư, có đường hướng để phát triển bùng nổ trong thời gian tới, điều mà "bộ tam" M4S đang lo lắng là làm sao giữ được sự chính trực trong kinh doanh. Bởi vì, phục vụ bữa ăn cho các gia đình, chỉ cần đặt nặng lợi nhuận hơn các yếu tố khác thì con đường của cả nhóm sẽ chệch hướng và giấc mơ chung cũng sẽ không còn.
Nỗi ám ảnh mang tên "cá thành phố”
Khi được hỏi nguyên nhân dẫn đến quyết định đi bán cá, dù chuyên ngành được đào tạo là Tài chính, Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu Tư thực phẩm sạch M4S, tươi cười cho biết: "Tất cả chỉ vì ám ảnh cá thành phố”.
Sinh ra và lớn lên ở Hàm Tân, Ninh Thuận, quanh năm ăn cá biển nên khi khăn gói vào thành phố học đại học, phải mang theo những thùng cá đông lạnh từ quê bởi dân biển luôn truyền tai nhau về sự "khủng khiếp" khi phải ăn cá bán ở Sài thành. Nào là cá ươn "phù phép" thành cá tươi, nào là cá tẩm phân u rê... Nghe mãi thành ra ám ảnh, ngay lần đầu tiên ăn cá mua ở chợ, không phải do gia đình gửi vào, Hiếu đổ bệnh thật.
Thoát khỏi những ngày vừa sốt, vừa ói mửa... Nguyễn Đức Hiếu cùng người anh đồng hương của mình là Trần Anh Pháp tìm đường đi của con cá từ các đầu nguồn đổ về TP.HCM. "Càng đi, càng thấy thì càng choáng vì hầu hết những con cá tươi ngon xuất hiện ở chợ đều đã trải qua giai đoạn ngâm hóa chất", Hiếu tiết lộ.
Không chỉ cá, những con mực tươi trắng nõn nà cũng được xử lý bằng hóa chất ở các chợ đầu mối trước khi đổ về các chợ lẻ. Khoảng cách địa lý quá xa cộng với trang thiết bị để bảo quản không tốt, việc giữ độ tươi ngon của các biển tại TP.HCM rõ ràng là không dễ dàng. "Sao mình không kiếm cách giữ cá tươi mà không dùng "phù phép" để đem bán?", hai bạn trẻ hỏi nhau như vậy sau những ngày thực địa.
Để trả lời cho câu hỏi ấy, Hiếu và Pháp cùng Cao Văn Phúc, một người bạn cùng quê, rất giỏi ứng dụng CNTT gom tiền tiết kiệm, về quê cùng nhau nghiên cứu. Ròng rã 6 tháng liền thử nghiệm cách đông lạnh cá, cuối cùng, cả hai mới tìm được câu trả lời. Hiếu chia sẻ: "Giữ cho cá tươi ngon tưởng đơn giản nhưng lại khó bởi cá chỉ có thể ở nhiệt độ thường trong vòng 3 giờ.
Quá 8 giờ là cá sẽ ươn nhưng không phải loại cá nào đưa vào cấp đông ngay cũng tươi mới mà ngược lại, có thể làm cho thịt cá bị bở". Chính vì vậy, cả hai phải nghiên cứu cách cấp đông từng loại cá khác nhau. Công thức chung cho quy trình này là chú trọng khâu thu mua để đảm bảo nguyên liệu tươi ngon, sau đó là quá trình làm sạch và cấp đông, hút chân không rồi vận chuyển vào TP.HCM.
Cả ba góp tiền đầu tư xưởng sản xuất tại La Gi, Bình Thuận để quy trình tối ưu thời gian cấp đông, giữ cho sản phẩm độ tươi ngon tốt nhất. Tự tin với sản phẩm, nhóm mở hẳn một cửa hàng trên đường Bùi Đình Túy, TP.HCM sát với một chợ truyền thống với hy vọng người dùng sẽ so sánh và chọn lựa cá M4S. Cả ba hy vọng những con cá "ngủ đông" mình đem đến sẽ nhanh chóng chiếm được thị trường.
Đứng trên vai người khổng lồ
"Có kinh doanh mới biết, thực tế biến hóa khôn lường, những ý tưởng khi khởi nghiệp mình nhìn trên giấy rất tốt nhưng đưa vào hoạt động lại thua", Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ kinh nghiệm của mình như vậy. Dù giá thành không quá cao nhưng so kè trực tiếp với sản phẩm ở chợ, người dùng phần lớn vẫn chọn giá rẻ hơn.
Đỉnh cao tự tin của ba bạn trẻ là quyết định bán cá tươi rồi tặng kèm cá "ngủ đông" để người dùng quen dần với sản phẩm chủ lực. Mất thêm tiền đầu tư dây chuyền chuyên dụng để làm sạch cá, chi phí trưng bày... nhưng rốt cuộc, khách hàng vẫn không mặn mòi. Hiếu nhớ lại: "Có những ngày cả nhóm phải mang cá về ăn mệt nghỉ vì cá tươi không để lâu được như cá cấp đông". Thời điểm đó, M4S gần như lâm vào bế tắc.
Cái khó ló cái khôn, trong những ngày loay hoay tìm cách bám trụ, cả nhóm quyết định tham gia Start-up Wheel, một sân chơi khởi nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM tổ chức. Không chỉ tìm thấy cơ hội để quảng bá, Hiếu và cả nhóm còn tìm được những lời khuyên quý giá từ những doanh nhân đi trước để từng bước hoàn thiện dự án.
"Chúng tôi khá ngây thơ khi bước chân vào thương trường. Chúng tôi chỉ có niềm tin và quyết tâm mang đến sản phẩm sạch, đẩy lùi thực phẩm độc hại. Rất may là nhiệt huyết của chúng tôi chạm đến nhà đầu tư”, Hiếu chia sẻ. Một doanh nhân trong ngành dược phẩm đã đồng ý tiếp sức lẫn tiếp vốn cho M4S mở rộng mô hình. Có tiền đầu tư, M4S mạnh tay hơn trong việc trang bị cơ sở vật chất.
Đến nay, M4S đang đầu tư thêm nhà xưởng trên đảo Phú Quý với đủ quy trình vô trùng, xử lý nước thải… đảm bảo cho quá trình sản xuất đúng tiêu chuẩn, giữ được độ tươi ngon cho từng con cá. Họ cho biết: "Đảo có nguồn thủy sản phong phú, nhưng đến nay đời sống ngư dân cũng còn nhiều khó khăn, chúng tôi hy vọng M4S sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân cải thiện cuộc sống".
Từng bước chiếm được lòng tin của khách hàng, M4S thừa thắng xông lên, đầu tư thêm cho sản phẩm cá một nắng, làm "đặc sản" của riêng mình. Sản phẩm làm từ cá tươi, được tẩm ướp gia vị vừa miệng, thích hợp cho nhu cầu ăn nhanh, chỉ cần sơ chế lại là đã có thể thưởng thức.
Theo tiết lộ của Hiếu, không dừng lại ở các kênh truyền thống, M4S đang dốc sức cho ứng dụng công nghệ, đầu tiên là một cái Apps để bán cá qua Mobile. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng để mở rộng kênh phân phối. Bởi sau con cá, sẽ là những sản phẩm sạch khác, liên quan đến việc phụ vụ bữa ăn trong gia đình", Hiếu tiết lộ.