Chủ nhiệm đề tài: Trịnh Quang Dũng
Cơ quan chủ trì: Viện Vật lý thành phố Hồ Chí Minh
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế biển, ngoài việc tăng diện tích đánh bắt thủy sản từ phương thức quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; thì việc đánh bắt hải sản xa bờ là rất quan trọng, là hướng đi chiến lược của ngành đánh bắt hải sản Việt Nam. Hiện tại, Đà Nẵng có hơn 1000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ tập trung ở các ngư trường: Quận Sơn Trà, Hoàng Sa,… Các tàu thuyền đánh bắt hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện máy phát Diesel trên tàu. Giá dầu không ổn định, ngày càng tăng cao khiến ngư dân phải tiết kiệm tối đa là thách thức tiềm ẩn với nguồn năng lượng cho thông tin liên lạc và sinh hoạt trên các tàu thuyền. Việc không đảm bảo duy trì thông tin liên lạc suốt 24/24h đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đi biển, đánh bắt xa bờ. Ngoài ra nguồn điện máy phát còn hạn chế việc áp dụng các công nghệ thiết bị tiên tiến hỗ trợ nâng cao sản lượng đánh bắt. Vì vậy mô hình thuyền, tàu điện mặt trời (ĐMT) hỗ trợ đảm bảo an toàn đi biển và ứng dụng thiết bị tiên tiến nâng cao năng suất đánh bắt là những ứng dụng ĐMT hết sức thiết thực cho phát triển kinh tế biển.
Với vai trò ổn định của ĐMT, thông tin liên lạc trên các tàu thuyền đánh bắt xa bờ được đảm bảo 24/24h và rất đa dạng: bộ đàm, điện thoại di động, điện thoại vệ tinh, kết nối Internet qua chảo Parabol. Đó là những phương tiện truyền thông tiên tiến, hiệu quả, đảm bảo đắc lực trong công tác cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, ĐMT hỗ trợ cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ có khả năng trang bị các phương tiện đánh bắt tiên tiến: máy tầm ngư, máy định vị vệ tinh GPS xác định chính xác các luồng cá, dẫn đường hiệu quả tới ngư trường để có những mẻ lưới bội thu với chi phí xăng dầu thấp nhất.