“Chính phủ và Quốc hội cùng phải nhìn lại mình”

“Chính phủ và Quốc hội cùng phải nhìn lại mình”

 

 Tự nhận sai khi đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9%, các đại biểu QH lo ngại lặp lại “vết xe đổ” khi đứng trước việc điều chỉnh chỉ tiêu này xuống 7%. Thêm nữa, đề án mở rộng Hà Nội cũng khiến một số đại biểu thấy “khó khăn” với việc… bấm nút.

Rất nhiều ý kiến thẳng thắn, gay gắt đã được các đại biểu nêu lên trong buổi thảo luận toàn thể tại hội trường sáng nay (09/05).

Đề án của Chính phủ có ba chi tiết sai về… lịch sử

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong bối cảnh, “tăng trưởng đi xuống, lạm phát đi lên”, cử tri hoan nghênh việc nhận khuyết điểm thẳng thắn của Chính phủ. Tuy nhiên, nguyện vọng của cử tri nêu lên, đâu là trách nhiệm tập thể của Chính phủ, đâu là của mỗi thành viên.

Đặc biệt, ông Thuyết “mổ xẻ” trách nhiệm của Quốc hội, của mỗi đại biểu khi bỏ phiếu tán thành chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9% tại kì họp trước (nay Chính phủ đề xuất giảm xuống khoảng 7%). Theo ông Thuyết, khi Chính phủ trình chỉ tiêu này lên Quốc hội vào cuối năm trước, giá dầu thế giới đang tiến dần đến 90USD/thùng, nhưng Chính phủ vẫn tính toán chỉ tiêu GDP trên căn cứ 61USD/thùng và sau nhiều tranh luận, cuối cùng giá dầu được nâng thành… 62USD/thùng.

Như vậy, Chính phủ trình không sát thực tế, báo cáo Thẩm tra của QH cũng chưa sát, trong khi đại biểu “quá tin” nên vẫn biểu quyết thông qua. Việc biểu quyết hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7% của lần này cũng rất dễ lập lại sai lầm tương tự là lo ngại của đại biểu Thuyết.

“Quốc hội phải tự nhìn nhận lại mình”, đại biểu Dương Trung Quốc nối tiếp sau đó. Theo ông Quốc, các chỉ tiêu do Chính phủ đề ra, nhưng ở đây trách nhiệm cao hơn thuộc về Quốc hội.

Ông phân tích, đại biểu Quốc hội có tới 2/3 là không chuyên trách, thông tin lại không đầy đủ nên biểu quyết chưa hợp lí. Với việc biểu quyết điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng lần này ông Quốc thẳng thắn, nếu chúng ta cứ mãi đi theo giải pháp tình huống sẽ làm giảm trách nhiệm của Quốc hội.

Việc biểu quyết của Quốc hội được ông Quốc mở rộng sang vấn đề hợp nhất, mở rộng Hà Nội. Ông Quốc cho biết, không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chỉ cần các đại biểu HĐND là đủ đại diện cho người dân. Ông cũng tỏ ra “khó hiểu” khi 100% đại biểu HĐND đã đồng ý thông qua đề án.

“Tới đây chúng ta sẽ ứng xử như thế nào trước quyết định quan trọng này”, ông Quốc băn khoăn. Theo ông, trong Quốc hội có nhiều đại biểu không chuyên trách, thời gian tiếp cận vấn đề lại quá ngắn nên nếu bấm nút thông qua là… thiếu trách nhiệm. Việc bấm nút như thế mới chỉ là ý kiến cá nhân, chưa đại diện được cho người dân.

Cũng liên quan đến mở rộng Hà Nội, ông Quốc thẳng thắn chỉ ra, trong đề án của Chính phủ có ba chi tiết về lịch sử thì cả ba chi tiết đều… sai. Cụ thể là chi tiết đề cập đến sông Hồng của ta tàu bè tấp nập như ở châu Âu thế kỉ XVI-XVII! Hay chi tiết nói rằng, “Hà Nội gần 100 năm Pháp thuộc” (Hà Nội bị Pháp xâm chiếm trong thập kỉ 80 của thế kỉ XIX)… Ông Quốc nhấn mạnh, Chính phủ phải xem xét lại tầm mức của mình trong ứng xử với văn hoá.

Sau cơn sốt gạo là cơn sốt gì?

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, khi hàng loạt tập đoàn được thành lập, nhiều người hi vọng đây sẽ là những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Đáng tiếc, các tập đoàn vừa qua lại coi trọng đầu tư vào các lĩnh vực không phải sở trường và đây cũng là một nguyên nhân gây ra lạm phát.

Ông Đáng đề cập đến việc tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng khu Resort tới 260 triệu USD, trong khi lẽ ra phải tập trung phát triển ngành điện, trong bối cảnh điện đang thiếu triền miên. Ông đề nghị, Chính phủ phải xem xét vấn đề này.

Ông Đáng cũng đặt ra câu hỏi: “Sau cơn sốt gạo còn cơn sốt gì nữa không và sẽ là sốt thật hay sốt ảo?”. Việc sốt gạo vừa qua xảy ra khi gạo còn đầy trong kho chứng tỏ sự yếu kém của công tác dự báo và sự lúng túng của các cơ quan chức năng.

Giá cả tăng, trong khi mức thu nhập không tăng hoặc tăng chậm là vấn đề được đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) phân tích tiếp đó. Theo ông, hầu hết những người đi chợ, đều kêu bị “bị trộm” do mất thêm nhiều tiền từ tăng giá. Tình hình tăng giá khiến những hộ vừa thoát nghèo đứng trước nguy cơ hoặc thực tế đã… tái nghèo.

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng, bên cạnh Chính phủ còn có Hội đồng tư vấn tiền tệ, giống như bác sĩ khám thường kì, nhưng căn bệnh giá cả vẫn bùng phát. Sở dĩ có điều này là tuy bệnh đã có từ nhiều năm nay, nhưng phải đến lúc nặng mới bốc thuốc và thực hiện còn hạn chế. Trong lúc này, vấn đề được đặt ra là hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Cùng mối lo ngại lạm phát, đại biểu Đăng Như Lợi cho rằng, không nên hạ chỉ tiêu tăng trưởng, bởi như vậy sẽ làm hạn hẹp nguồn cung. Chưa kể, trong 4 tháng đầu năm nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.

Đại biểu Sùng Chúng (Lao Cai) cũng bày tỏ chính kiến không hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7%, bởi việc đề xuất hạ xuống theo ông là chưa làm rõ căn cứ. Hơn nữa, Quốc hội mới biểu quyết được chưa lâu, nay lại thay đổi sẽ cho thấy tính hiệu lực của Nghị quyết Quốc hội không cao, làm giảm niềm tin.

                                                             (Theo dantri.com.vn)