Chỉ số giá tiêu dùng sẽ “đội” theo xăng dầu

Chỉ số giá tiêu dùng sẽ “đội” theo xăng dầu

 

 Theo tính toán của liên Bộ Tài chính - Công Thương, điều chỉnh giá xăng, dầu lần này sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng tới ở mức 0,4 - 0,5%. Tuy nhiên, “tăng giá là bắt buộc và cần thiết bởi Nhà nước không thể bao cấp mãi cho doanh nghiệp”.

 >>  Giá xăng tăng quá bất ngờ
 >>  Giá xăng tăng lên 14.500 đồng/lít

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay: Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng cao (2 tháng đầu năm, CPI đã tăng xấp xỉ 6%) là nhạy cảm, nhưng “điều chỉnh theo cơ chế thị trường bắt buộc phải làm”.

Trước khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày hôm nay 25/2, các bộ ngành cũng đã họp bàn đề cập tới việc phải chấp nhận một mặt bằng giá mới, nhưng phải đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế là số một.

“Nếu không tăng giá lần này, Nhà nước sẽ phải tiếp tục bao cấp tràn lan cho doanh nghiệp. Do đó, tăng giá là bắt buộc và cần thiết, sau đợt điều chỉnh này, Nhà nước không bao cấp tràn lan nữa mà để doanh nghiệp hoạch toán một cách độc lập”.

Do đó, ngoài việc định hướng cho các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá xăng bán lẻ, công việc mà liên bộ tiến hành trong ngày hôm nay cũng chính là “cởi trói” về các mức giá để doanh nghiệp tự quyết định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: Giá xăng dầu trên thế giới hiện đã tăng khoảng 10%, nên mức giá bán lẻ xăng dầu điều chỉnh thêm 9 - 10% là hợp lý. Trên thực tế, việc các doanh nghiệp điều chỉnh mức giá bán ra thêm 1.500 đồng/lít, đã vượt hơn 1,5% dự đoán của liên bộ.

Cũng theo các lãnh đạo của liên Bộ Tài chính - Công Thương, việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày hôm nay sẽ tác động mạnh nhất tới các ngành vận tải, đánh bắt cá và CPI.

“Theo tính toán, mức điều chỉnh này sẽ tác động đến chỉ số chung ở mức 0,4% - 0,5%” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh. Nhưng liên bộ sẽ không can thiệp vào mức giá điều chỉnh của các doanh nghiệp, cũng là tạo nên cơ chế cạnh tranh cho các doanh nghiệp hiện nay.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: “Thay vì phải tập trung nguồn tiền bù lỗ cho doanh nghiệp tương đương hơn 11.000 tỉ đồng/năm, Nhà nước có thể dành kinh phí chăm lo cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa”.

Hiện tại, các Bộ đã chuẩn bị một loại các giải pháp hỗ trợ đi kèm khi điều chỉnh giá dầu. Sẽ có hai nhóm đối tượng được hưởng mức hỗ trợ này, bao gồm người nghèo ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và ngư dân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế nông nghiệp cho nông dân, rà soát bãi bỏ hoặc giảm một khoản phí, lệ phí, tiếp tục mở rộng cho vay ưu đãi thông qua các ngân hàng.

Và để đạt được mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốc độ tăng giá, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, linh hoạt; Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp đảm bảo cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, có kiểm soát và chống đầu cơ trong lĩnh vực này.

Nguyễn Hiền Theo Dan tri