Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Tri thức, trí tuệ là tài nguyên của mỗi quốc gia

"Chúng ta phải coi tri thức, trí tuệ là nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia và biết tận dụng nó đúng cách", GS Gérard Albert Mourou nhấn mạnh.

Chia sẻ trên được GS Gérard Albert Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 nhấn mạnh tại buổi giao lưu Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture 2022 do quỹ VinFuture tổ chức sáng nay (17/12). Đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam và trò chuyện với các chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên.

Buổi giao lưu diễn ra với 3 phiên thảo luận: toàn cầu hoá trong khoa học công nghệ, hành trình của các nhà khoa học nữ: thành công và thách thức, cơ hội của các nhà khoa học đến từ nước đang phát triển.

Là một trong những nhà khoa học mở màn phần giao lưu, GS Gérard Albert Mourou cho biết, không phân biệt quốc gia, vùng lãnh thổ, tất cả chúng ta đang sống, làm việc trong một ngôi làng toàn cầu. Trong ngôi làng đó, vấn đề năng lượng, công nghệ là yếu tố quan trọng của sự phát triển.

Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Tri thức, trí tuệ là tài nguyên của mỗi quốc gia - 1

GS Gérard Albert Mourou chia sẻ cùng các nhà khoa học sáng 17/12.

"Cách đây 50 năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra công nghệ laze, nhờ đó mà chúng ta có thể tạo ra nhiều nguồn năng lượng không giới hạn, lớn hơn cả hạt nhân. Cho đến nay, công nghệ laze vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu và phát triển", GS Gérard Albert Mourou chia sẻ.

Qua đó, nghiên cứu khoa học là không ngừng cải tiến và phát triển, chúng ta phải luôn cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Nỗ lực cần cả quá trình gian nan và lâu dài để tạo nên những kỳ tích trong khoa học. Để phát triển, GS Gérard Albert Mourou cho rằng rất cần sự tập trung trí tuệ toàn cầu.

Chủ nhân giải Nobel cũng chia sẻ chuyến công tác cách đây 1 tuần khi ông đến Nam Phi, một nơi không có nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng đã phát triển đầy bất ngờ. Bí quyết là tận dụng những trí tuệ tuyệt vời của dân tộc, cộng đồng ở đó.

"Chúng ta phải coi tri thức, trí tuệ là nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia và biết tận dụng nó đúng cách. Cả thế giới đang khao khát tìm kiếm những nhà khoa học có trí thức tuyệt vời, đây sẽ là chìa khoá để phát triển, giải quyết thành công các vấn đề toàn cầu hoá", chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS Leslie Gabriel Valiant, chuyên ngành Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, khi nói về khoa học, chắc chắn sẽ phải đi liền với vấn đề toàn cầu hoá. Chúng ta ngày càng có nhiều người trẻ, nhà khoa học tài năng tham gia khoa học và giải quyết vấn đề lớn mang tính toàn cầu, không còn chỉ là các bài toán gói gọn trong một quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Theo GS Leslie Gabriel Valiant, khoa học đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới thay vì chỉ đóng vai trò nhỏ giữ cho riêng mỗi người. Bây giờ các công trình khoa học đều công khai và toàn cầu hóa, giúp mọi người tiếp cận các công bố tốt hơn.

"Trước đây hầu hết mọi phát kiến đều đến từ châu Âu và các nước phát triển tiên tiến nhưng nay thì đến từ ngay các nước đang phát triển khiến cả thế giới phải chú ý tới", GS Leslie Gabriel Valiant nói.

Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Tri thức, trí tuệ là tài nguyên của mỗi quốc gia - 2

Các chuyên gia thảo luận.

GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ), thành viên hội đồng giải thưởng VinFuture cũng cho rằng, chúng ta cần xem quá trình toàn cầu hóa là cơ hội để giải quyết các vấn đề cấp bách. Ví dụ 3 năm qua, toàn cầu phải đối diện với đại dịch COVID-19, không phải vấn đề của một quốc gia riêng lẻ, mà tất cả phải đoàn kết để cùng giải quyết. Đó là cơ hội cho công nghệ mà chưa từng nghĩ tới.

COVID-19 bùng nổ với nhiều loại biến chủng mới khác nhau, nếu mỗi loại vaccine chỉ ngăn ngừa được một biến chủng nhất định thì dường như dịch sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng chính nhờ vào sự phát triển của khoa học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ AI để xác định điểm chung của biến chủng, từ đó giúp sản xuất ra loại vaccine có thể giải quyết triệt để sự lây nhiễm của COVID-19. Điều này được minh chứng khi các tập đoàn lớn trên thế giới đã sản xuất ra một loại vaccine ngăn được mọi biến chủng của SARS-CoV-2.

GS Vũ Hà Văn và nhiều nhà khoa học cũng trăn trở để triển khai các hoạt động thúc đẩy khoa học công nghệ tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi khoa học công nghệ chính là cơ hội duy nhất và cách mạng công nghệ đã thay đổi thế giới, Việt Nam cần điều như vậy.

"Những lần phát triển công nghệ trước Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhưng lần này thì không, chúng ta sẵn sàng bước lên con tàu đó. Hiện tại ý tưởng có sẵn, ta chỉ cần đội ngũ để hiện thực hóa ý tưởng này, để tạo nên các sản phẩm mang tính đột phá về AI, ô tô điện, big data... không kém cạnh thế giới", GS Vũ Hà Văn nói.

HÀ CƯỜNG