Doanh nghiệp đề xuất lời giải cho bài toán nhân lực CNTT

Quyết tâm đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT không chỉ xuất phát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành mà đó còn là mong muốn của các doanh nghiệp CNTT, Viễn thông bao gồm cả của Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Để làm được điều này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam phải sớm hoàn thành đó là có một nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Tiềm năng lớn nhưng nhân lực thiếu

 

Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR 2009, Tổng giám đốc IBM Việt Nam ông Võ Tấn Long cho biết, nếu nhìn vào doanh thu CNTT của các nước trên thế giới, hiện doanh thu đến từ dịch vụ CNTT chiếm khoảng 64-65%, thậm chí lên tới 70%. Chỉ riêng doanh số đạt được trong mảng dịch vụ CNTT, chiếm khoảng 450 tỷ USD/năm. Đấy là còn chưa nói tới doanh thu từ những dịch vụ được đưa tới thông qua CNTT.

Tỷ lệ thuận với mức doanh thu trên là số lượng người tham gia vào lĩnh vực dịch vụ cũng rất lớn. Những quốc gia như Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào những thị trường dịch vụ như vậy. Vấn đề đặt ra là nguồn nhân lực CNTT của chúng ta phải chuẩn bị như thế nào để có thể bắt kịp được xu hướng, nhu cầu lớn này.

 

Không chỉ có những lĩnh vực chuyên về CNTT mới cần lực lượng CNTT mà ngay cả những ngành khác như tài chính, kế toán,… cũng cần ứng dụng mạnh CNTT. Phải khẳng định rằng, tiềm năng về dịch vụ CNTT của Việt Nam rất lớn. Thực tế này đòi hỏi nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam làm sao phải đáp ứng được. Tuy nhiên, đây vẫn đang là một bài toán khó.

 

Đại diện của IBM cho biết, trong lĩnh vực gia công phần mềm, bản thân IBM đã nhìn thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn, thế nhưng lại cũng thấy được khó khăn ngay chính từ nguồn nhân lực. Chẳng hạn như đối với IBM, trong những đợt tuyển dụng cho thấy,  2/3 các sinh viên CNTT khi ra trường chưa sẵn sàng làm việc trong môi trường doanh nghiệp đa quốc gia hoặc nước ngoài. Chỉ có 1/3 còn lại có khả năng về ngôn ngữ, về kiến thức có thể đáp ứng được. Nhưng để chính thức nhập cuộc được với guồng quay của doanh nghiệp, số 1/3 này cũng cần phải có thêm từ 6 đến 18 tháng để bổ sung kiến thức, kỹ năng.


  Ảnh minh họa

  Tổng giám đốc IBM Việt Nam Võ Tấn Long

“Với môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi lại phương pháp đào tạo sinh viên CNTT để cho họ có thể dễ dàng hoà nhập hơn” - ông Long nói.

 

Doanh nghiệp đề xuất

 

Theo ông Võ Tấn Long, “dễ dàng tìm được lý do thuyết phục cho việc tại sao chúng ta lại phải đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực IT, nhất là những người nắm rõ về phát triển dịch vụ CNTT. Yêu cầu và kỹ năng cho người làm trong lĩnh vực này theo hình chữ T. Làm trong một lĩnh vực cụ thể, trước hết họ phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Thế nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chỉ đáp ứng được vậy thì khả năng đáp ứng của một cá nhân đó sẽ giảm đi rất nhiều”.

 

Trụ chính của chữ T chính là kiến thức chuyên ngành cơ bản và gạch ngang của chữ T chính là những kiến thức bổ trợ khác cũng không kém phần quan trọng của mỗi ngành công nghiệp khác để họ có thể hoà nhập được vào nền kinh tế sau khi ra trường. Và đó còn là khả năng tạo ra hệ thống nhóm làm việc.


“Một sinh viên khi ra trường không chỉ phải nắm rất sâu về lĩnh vực của họ, có thể là kế toán, luật, CNTT… nhưng ngoài ra họ còn phải hiểu được lĩnh vực mà họ đang thực hiện. Làm thế nào phải kết nối được hiểu biết của họ về chuyên ngành làm việc với công nghệ thông tin để tạo ra giá trị mới. Như vậy, mô hình để đào tạo sẽ phải thay đổi” - ông Long nói. 
 

IBM đang có hướng phát triển một bộ môn khoa học cho phép tích hợp các kiến thức CNTT cũng như các kiến thức bổ trợ của các ngành công nghiệp, kinh tế khác nhau. Đã triển khai và thành công tại Thái Lan, mô hình đào tạo của IBM đã giúp cho mỗi sinh viên CNTT khi ra trường có thể ngay sau đó gia nhập được với môi trường doanh nghiệp. Phương cách đào tạo mới này sẽ khác với hình thức đào tạo truyền thống hiện nay.

 

Đại diện nhiều doanh nghiệp CNTT đánh giá, Chiến lược tổng thể mà Thủ tướng vừa mới phê duyệt về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 tầm nhìn 2020 đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như trong quá trình đào tạo phải chú trọng những kỹ năng mềm như khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia…

Trong thời đại bùng nổ thông tin, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin không thể thiếu được trong một ngành nào. Nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục trong lĩnh vực CNTT cần phải có sự thay đổi để có thể đáp ứng được, theo kịp những thách thức mới.

Dù không phải là chủ đề chính thức được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR 2009 song câu chuyện phát triển nhân lực và làm thế nào có được một đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao để có thể biến mọi mong muốn phát triển CNTT của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành hiện thực đã được nhiều đại biểu tham dự đề cập tới. Tr ong bài thuyết trình của mình tại diễn đàn , Phó vụ trưởng Vụ CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết , C hiến lược phát triển CNTT và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam , trong đó rất chú trọng khâu đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực với hơn 200 cơ sở đào tạo, giảng dạy. Song đó là về lâu dài, còn trước mắt, nguồn nhân lực cho ngành CNTT đang đứng trước thách thức thiếu cả nhân lực từ tay nghề cho đến quản lý, nhất là các chuyên gia hàng đầu. Chất cũng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Kỹ năng nhân lực CNTT của Việt Nam còn thấp, thiếu kinh nghiệm, ngoại ngữ kém.


Theo Web site Sở Thông tin và TT Đà Nẵng (Nhật Quang (tổng hợp từ internet))