Doanh nghiệp xăng dầu thiếu vốn trầm trọng

Thứ Ba, ngày 25/03/2008, 07:59

 

Đảm bảo nguồn xăng dầu cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp xăng dầu thiếu vốn trầm trọng

Giá xăng dầu thế giới tăng cao, DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ ở hầu hết các mặt hàng. Tuy được bù lỗ nhưng do tiến độ rất chậm nên các DN bị hụt vốn nhập khẩu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt nguồn cung.

Hụt vốn: Có thể đứt nguồn cung xăng dầu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, với giá xăng dầu thế giới cao ngất ngưởng như hiện nay, các DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ 350 đồng/lít đối với mặt hàng xăng A92; 1.400 đồng/lít đối với dầu diezel và lỗ 1.000 đồng với dầu hoả. Riêng dầu mazut, các DN không lỗ.

Trong khi đó, tình hình bù lỗ cho các DN đang được thực hiện rất chậm. Cho đến nay, việc bù lỗ cho các năm 2006 và 2007 đều chưa xong.

Ông Tú cho biết, năm 2006 hiện vẫn còn 380 tỷ đồng chưa được bù lỗ; năm 2007 tổng số lỗ phát sinh là 12.255 tỷ đồng. Đến 22/3/2008, Nhà nước đã bù và có kế hoạch bù lỗ 10.300 tỷ đồng cho các DN. Như vậy còn khoảng 2.000 tỷ nữa chưa được bù. Trong hai tháng đầu năm 2008, các DN đã lỗ thêm 3.561 tỷ đồng. Tính ra các DN còn khoảng hơn 6.000 tỷ chưa được bù lỗ. Đó là chưa kể xăng lỗ nhưng không được bù, chỉ riêng Petrolimex lỗ 2.700 tỷ đồng.

Theo ông Tú, thực tế trên đây khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn về vốn. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng ngày càng khó hơn. Bởi vậy, hầu hết các DN đều thiếu vốn phục vụ nhập khẩu. Thậm chí, có trường hợp DN phải sử dụng uy tín của mình đối với khách hành nước ngoài để tạm thời chiếm dụng vốn của nhà cung cấp bù phần còn thiếu.

Bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, Petrolimex là DN chủ lực trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, "thuyền to thì sóng lớn". Hiện Petrolimex phải vay ngân hàng rất nhiều. Phần lớn vốn vay được dùng để bù đắp vào phần bị lỗ do nhập xăng dầu với giá cao.

Theo quy định, việc bù lỗ được thực hiện khi đã qua chu kỳ kinh doanh. Vì thế, Petrolimex lỗ chừng nào thì phải đi vay chừng ấy. Còn về vốn lưu động của Petrolimex thì cũng rất nhỏ bé so với tổng số vốn bỏ ra kinh doanh. Hiện Petrolimex được cấp khoảng 700 - 800 tỷ đồng, chỉ đủ nhập 1 - 2 chuyến tàu.

Ông Tú cho rằng, nếu như trước đây các DN kinh doanh xăng dầu có lỗ thì cũng không phải là vấn đề quá đáng lo ngại. Các ngân hàng vẫn cho vay bởi vì dù sớm hay muộn các DN cũng được Nhà nước bù lỗ. Tuy nhiên, khi đã chuyển sang cơ chế thị trường thì vấn đề lỗ lãi của DN được các ngân hàng cân nhắc rất kỹ. Khi đó nhiều ngân hàng có khả năng cũng không dám cho vay và DN không có tiền để tiếp tục nhập khẩu, dẫn đến đứt nguồn cung.

Sẽ lo đủ vốn để nhập khẩu

Theo ông Tú, ngày 25/2/2008 vừa qua Chính phủ đã có bước đi quyết định. Đó là việc thực hiện một cơ chế quản lý mới đối với thị trường xăng dầu. Cụ thể, lần đầu tiên các DN kinh doanh xăng dầu được đăng ký giá bán xăng trên cơ sở tự tính toán giá và chi phí của mình. Còn đối với dầu, Chính phủ chủ trương mức giá tiệm cận với giá thế giới.

Quyết định đưa mặt bằng giá xăng dầu lên sát giá thị trường là để đảm bảo rằng DN kinh doanh không lỗ và đảm bảo rằng các DN có khả năng vay ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn.

Bên cạnh đó, trong buổi làm việc mới đây với Tổng Công ty xăng dầu và các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo có đủ nguồn vốn cho các DN kinh doanh xăng dầu vay, không để đứt nguồn. Theo đó, đối với DN xăng dầu, các ngân hàng phải có cơ chế cho vay đặc biệt. Vì nếu theo cơ chế thông thường thì DN xăng dầu không thể đáp ứng điều kiện vay. DN xăng dầu có thể mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, nếu thiếu thì NHNN phải cung cấp đủ cho các DN xăng dầu có đủ vốn nhập khẩu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương bù lỗ theo quyết toán của các DN. Bộ Tài chính thu xếp nguồn vốn để đáp ứng bù lỗ theo kế hoạch.

Thực tế, theo Nghị định 55, hàng tháng các DN sẽ được tạm ứng 95% số lỗ tạm tính trong tháng. Việc tạm ứng phải thực hiện theo kế hoạch, tức là kế hoạch nhập khẩu được tính trên mức tối thiểu mà DN phải nhập và mức giá hình thành.

Theo ông Tú, đây là điều thay đổi rất lớn. Thay vì chờ bù lỗ sau, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị tiền để DN tạm ứng trước. Điều này giúp DN chủ động hơn về vốn trong kinh doanh.

Bên cạnh những thay đổi lớn về cơ chế đảm bảo nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công thương và Petrolimex hoàn chỉnh phương án về quỹ bình ổn giá. Theo đó, một quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được hình thành theo cơ chế lấy mặt bằng giá đã hình thành, tức là giá dầu thô 105 USD/thùng và giá các loại sản phẩm xăng dầu khác để xây dựng mặt bằng giá và duy trì mặt bằng giá này trong một thời gian nhất định, đến tháng 6/2008.

Trong điều kiện thay đổi theo chiều hướng tăng thì đối với xăng, các DN phải giữ giá chờ thời cơ thuận lợi để tự bù. Đối với dầu, Nhà nước sẽ thực hiện bù. Trong trường hợp từ nay đến tháng 6 và những tháng sau này nếu giá xăng dầu giảm xuống dưới 105 USD/thùng nhưng mức giảm không quá lớn thì sẽ ổn định giá để DN có lợi nhuận. Đối với xăng thì để bù lỗ trước đây. Còn đối với dầu thì sẽ được trích lợi nhuận đưa vào quỹ bình ổn giá.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng nhấn mạnh, việc bình ổn giá đến tháng 6 thực hiện trong điều kiện không có độ biến động giá lớn. Nếu giá có đột biến lên đến 150 USD/thùng thì phải có quyết sách mới. Chính phủ cũng khẳng định, ổn định thuế đến hết năm 2008, nếu giá dầu thô trên 105 USD/thùng thì áp thuế nhập khẩu bằng 0%, nếu dưới 100 USD thùng thì xem xét cụ thể để tính tăng hay không.

                                                                                                              (Theo 24h.com.vn)