Hàng không nội địa tăng giá, khách hàng thiệt hay lợi?

Hàng không nội địa tăng giá, khách hàng thiệt hay lợi?

 

sau Pacific Airlines, Vietnam Airlines ngày 22/2, cũng thông báo từ tháng 3/2008 sẽ nâng giá vé trục Hà Nội - TPHCM lên 1,7 triệu đồng. Vấn đề đặt ra hiện nay là: khách hàng thiệt hay lợi? 

Tăng giá vé trần

Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ 1/3, cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Pacific Airlines được nâng giá trần vé máy bay các chặng nội địa lên mức 1,7 triệu đồng (mức cũ là 1,5 triệu đồng).

Bên cạnh các mức giá hiện tại đang áp dụng, từ 1/3, Vietnam Airlines (VNA) sẽ đưa vào áp dụng thêm mức giá mới (L).

Mức giá vé mới bổ sung như bảng dưới đây:            

Đường bay

Giá vé (VNĐ)

Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Hải Phòng

1.700.000

Hà Nội - Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Nha Trang

1.650.000

TPHCM - Vinh

1.500.000

Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Huế

1.100.000

TPHCM - Đà Nẵng, TPHCM - Chu Lai

1.100.000

TPHCM - Rạch Giá, Ban Mê Thuột

600.000

Các tuyến khác từ Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng

800.000

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Trưởng ban Kế hoạch Thị trường của VNA: “Việc bổ sung thêm mức giá mới sẽ giúp Vietnam Airlines tăng cường chính sách đa dạng hoá giá cước, đồng thời giúp Tổng công ty bù đắp chi phí đầu vào tăng cao trong hơn 4 năm qua, nhằm cân đối và bổ sung nguồn lực để tăng chuyến và mở rộng mạng đường bay nội địa”.

Trước đó hai ngày, hãng hàng không Pacific Airlines (PA) cũng thông báo mức giá mới sẽ được áp dụng với hai điều kiện đồng thời: đối với các chuyến bay và vé xuất từ 1/3.

Cụ thể, hãng hàng không này nâng giá vé linh hoạt (Flex) lên thêm 10 - 13%. Mức giá Flex trên đường bay TPHCM - Hà Nội dao động từ 1.450 nghìn đồng đến 1.550 nghìn đồng/chiều tuỳ thời điểm. Giá Flex chủ yếu áp dụng cho hành khách mua vé sát ngày bay hoặc chưa chắc chắn về ngày, giờ.

Riêng với loại giá tiết kiệm (giá Saver), hay còn gọi là giá khuyến mại siêu rẻ, PA tiếp tục duy trì 9 mức giá và điều kiện áp dụng giá Saver hiện hành.

Trong đó, 6 mức giá Saver phổ biến nằm trong khoảng từ 55 - 80% mức giá trần theo quy định; 3 mức giá Saver siêu giảm từ thấp nhất là 15.000 đồng/chiều đến tối đa 50% mức giá trần chỉ áp dụng cho các chương trình khuyến mãi. Giá Saver là hệ thống giá vé chủ lực của Pacific Airlines, nhưng cũng là loại giá vé mà hành khách khó "săn" nhất.

Khách hàng thiệt hay lợi?

Nhiều người cho rằng: khách hàng sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi.

Lý do rất đơn giản: Cơ cấu giá vé và số ghế dành cho một mức giá được các hãng hàng không tính toán làm sao để đạt được một giá bình quân có lãi cho một chuyến bay. Trên nguyên tắc đó, nếu giá trần cao (và những người mua vé sát ngày bay phải trả giá vé cao) thì sẽ có nhiều giá vé rẻ và số chỗ dành cho các giá rẻ đó (và ngược lại).

Việc tăng giá trần được Nhà nước cho phép, khi đó những người mua vé sát ngày bay, đặc biệt là những người lên sân bay mới mua vé sẽ phải trả giá vé cao hơn. Đồng thời, nhiều người mua vé xa ngày bay sẽ mua được vé máy bay với giá vé thấp hoặc rất thấp do số lượng ghế dành cho những loại giá vé thấp tăng lên.

Ngoài ra, việc đa dạng hóa giá vé mở mức độ cao hơn khi tăng giá trần sẽ giúp cho thị trường hàng không nội địa phát triển. Trong những năm qua, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng chỉ ở mức 10% - 15%/năm.

Nếu muốn thị trường tăng trưởng cao hơn, đạt 20-30%/năm, hoặc 40-50%/năm như đã diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ trong vài năm gần đây thì việc tăng giá trần để đa dạng hóa giá vé máy bay cũng là điều bắt buộc phải làm.

Giữ giá trần - lợi bất cấp hại

Thị trường hàng không nội địa đang phát triển và dần hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn có những sự thật hết sức phi lý đang ngày ngày diễn ra.

Ông Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: mỗi năm hãng này phải chịu lỗ khoảng300 tỷ đồng trên các chặng bay nội địa, trong khi hệ số sử dụng ghế đạt trên 71% (mức tương đương với một số hãng lớn trong khu vực), khoảng 45% năng lực sản xuất nằm ở các đường bay nội địa. Nhưng trên thực tế, tổng doanh thu trên toàn mạng đang ngày ngày phải gánh bớt cho mạng bay nội địa.

Trước đó, ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Pacific Airlines cũng cho rằng: “Không có nơi nào trên thế giới mà hãng hàng không sợ bay dịp cao điểm như tết Nguyên đán ở Việt Nam. Chiều đông khách hay chiều ít khách đều có mức giá như nhau. Hành khách thì khốn khổ vì thiếu vé đi lại”.

Còn nhớ, cách đây ít năm khi hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways “nhảy” vào thị trường Việt Nam, ngay lập tức đã gây một cú sốc rất ngoạn mục khi chào hàng giá vé đi Singapore cho những người đặt mua đầu tiên chỉ có 24,9 USD.
 
Tại sao hãng hàng không này có thể có được loại vé như thế? Lý do rất đơn giản, vì hãng này có đến 10 mức giá vé và giá vé thấp nhất với giá vé cao nhất trên cùng chuyến bay chênh nhau đến 8 lần! Có nghĩa là ai mua càng sớm, đặt mua nhanh nhất giá càng rẻ, càng gần ngày bay, giá càng cao. Hãng hàng không chỉ tính lợi nhuận trên giá vé bình quân.

Vậy một câu hỏi đặt ra: tại sao các hãng hàng không trong nước chưa thực hiện được phương thức kinh doanh này trên tuyến nội địa? Đó là vì các hãng này còn bị quản lý giá vé trần.
 
Nếu bỏ giá trần, ngành hàng không có thể đa dạng hoá tối đa cơ cấu phân bổ vé trên mỗi chuyến bay. Điều này cũng có nghĩa, người thu nhập thấp có thể đi Hà Nội - TPHCM với mức giá vài trăm ngàn đồng nếu mua trước cả tháng, ngược lại giới doanh nhân sẵn sàng bỏ ra bốn, năm triệu đồng nếu có nhu cầu cần bay gấp trong vài tiếng.
 
Phúc Hưng (Theo Dan tri)