Hội thảo: “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến vùng Nam Trung bộ’’

Ngày đăng tin: 06/11/2022

Ngày 04 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo: “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến vùng Nam Trung bộ’’ nhằm tăng cường hợp tác liên ngành, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng và các tỉnh vùng Nam Trung bộ.

Tham dự Hội thảo có TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng, TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, các nhà khoa học, đại biểu đến từ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, các trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng), Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng, Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân, Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, Trường Cao đẳng Lạc Việt, Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. Đà Nẵng, Hội Nông dân Thành phố và Hội Nông dân các quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Thành đoàn và các quận Đoàn, huyện Đoàn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và công nghệ sinh học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Đức Viên đã chia sẻ TP. Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong ba trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, tạo lập môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút quỹ đầu tư, kết nối doanh nghiệp, trao đổi startup với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn trên thế giới. Qua buổi hội thảo lần này, TS. Lê Đức Viên cũng gợi mở một số nội dung để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại Hội thảo cũng như mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các vườn ươm về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển.

TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phạm Châu Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng cho biết: Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của quốc gia, được xác định sẽ là chìa khóa để giúp nước ta vượt qua những thách thức hiện tại, là động lực nền tảng, cơ bản trong việc tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Việt Nam gần đây đã có bước tiến đáng kể trong ĐMST. Tuy nhiên, phân tích cho thấy ĐMST ở Việt Nam chưa thực sự bền vững và chất lượng chưa cao, đặc biệt là về thể chế, năng lực phát minh, sáng chế, trong khi đây lại là nhóm định hướng và quyết định hiệu quả của ĐMST. Dữ liệu được dẫn chứng cho thấy rõ các thành tựu và những mặt hạn chế, bất cập của hệ sinh thái ĐMST của nước ta. Theo báo cáo, Nam Trung bộ là một vùng kinh tế có vị trí địa chính trị quan trọng, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, vùng cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội bởi một số đặc điểm địa lý bất lợi, và do đó, việc xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mạnh có ý nghĩa đặc biệt. Nhằm góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST cho vùng Nam Trung bộ, ông Huỳnh đã đề xuất các bên liên quan 4 gói giải pháp, gồm: (1) Ưu tiên đổi mới nền quản trị công của hệ sinh thái ĐMST, (2) đầu tư phát triển năng lực KHCN và ĐMST, (3) phát huy hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ của các đơn vị KHCN trong hệ sinh thái ĐMST, và (4) ứng dụng KHCN một cách sáng tạo để khắc phục các cách trở về địa lý, lãnh thổ để xây dựng được một hệ sinh thái ĐMST thống nhất, lớn mạnh cho các vùng, giúp phát huy một cách tối ưu tiềm năng, lợi thế của các địa phương cho sự phát triển. Báo cáo cũng đề nghị các bên nêu và thảo luận kỹ về các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hệ sinh thái ĐMST hiện tại, các giải pháp và việc cần thiết phải thực hiện để có được điều kiện tối ưu cho sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST nói chung, và hệ sinh thái ĐMST lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến nói riêng của TP. Đà Nẵng và vùng Nam Trung bộ, góp phần đảm bảo một tương lai giàu mạnh cho các địa phương vùng.

TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Mở đầu phần tham luận của các diễn giả, bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh trình bày báo cáo về “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ sinh học và nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và một số gợi ý cho TP. Đà Nẵng”. Nội dung bài tham luận tập trung vào những hoạt động và kết quả hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Việt Nam và TP. HCM cũng như những định hướng chung phát triển Hệ sinh thái KNĐMST nhằm để hỗ trợ, xây dựng môi trường thuận lợi để ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp mới thành lập, giúp các doanh nghiệp này đứng vững trên thương trường.

Tiếp theo là báo cáo “Một số thành tựu tại Đà Nẵng và gợi ý hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, và công nghệ chế biến” của ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Báo cáo đã nêu ra những thực trạng về sự thiếu hụt các startup liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ chế biến ở Đà Nẵng. Từ đó đã đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh nội dung này như: liên kết các startup với trường đại học, đơn vị sản xuất chuyên nghiệp để đẩy mạnh khâu nghiên cứu, đóng gói và hoàn thiện sản phẩm. Khi sản phẩm đã đủ hoàn thiện, Vườn ươm doanh nghiệp đóng vai trò là cầu nối để kết nối startup với thị trường.

Báo cáo “Vai trò của khoa học, công nghệ trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” của bà Ana Le My Nga - President WeAngels Capital đã chia sẻ, khi khởi nghiệp trong một thế giới luôn biến động sẽ luôn phải đối mặt với muôn vàn thử thách và thành công là điều không đơn giản. Các dự án khởi nghiệp của chúng ta đa phần thường chưa tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thị trường trước khi thiết kế sản phẩm, nên thỉnh thoảng cho ra đời các sản phẩm mà có thể thế giới đã đi khá xa. Lõi của dự án đầu tiên phải là giải pháp sáng tạo dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, bên cạnh là đội ngũ sáng lập thật sự có khả năng và đủ đam mê, việc đăng ký sáng chế và bảo hộ sáng chế trong nước và quốc tế là rất cần thiết để từ đó, startup có thể tự tin tiếp tục nghiên cứu và phát triển giúp mô hình kinh doanh phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Trong tham luận của ông Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng về “Mô hình Đổi mới sáng tạo mở - Gợi ý cho mạng lưới ươm tạo công nghệ sinh học, nông nghiệp” đã làm rõ những nội dung cơ bản của Mô hình Đổi mới sáng tạo mở và đưa ra những gợi ý cho mạng lưới ươm tạo công nghệ sinh học, nông nghiệp như cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, tập đoàn, mạng lưới các tổ chức ươm tạo, khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý trong quá trình ươm tạo công nghệ.

Các diễn giả trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Trong phần trao đổi, thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay trong một số lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, thực phẩm liên quan đến tiêu chuẩn hóa sản phẩm để có thể mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, mảng R&D còn yếu, việc cải thiện mẫu mã hàng hóa, hoàn thiện sản phẩm còn chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường,…Bên cạnh đó, một số đề xuất ý tưởng như: nên tăng cường đối thoại, trao đổi với các startup, khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP, cần có định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao, sự cần thiết phải hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong quản trị, kinh doanh, marketing, mở rộng và thích ứng với mô hình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, tăng cường phối hợp giữa các nhà khoa học, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, hoàn thiện, quảng bá và thương mại hóa sản phẩm.

TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng điều hành phần trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã thu hút sự quan tâm của 12 đơn vị, doanh nghiệp tham dự và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, môi trường,…

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ của các đơn vị, doanh nghiệp

Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, TS. Lê Đức Viên đã bày tỏ sự cảm ơn đến các diễn giả, các nhà khoa học, đại biểu, các doanh nghiệp tham dự đã có những bài viết, ý kiến tham luận, đóng góp vô cùng quý báu để làm nên sự thành công của Hội thảo. TS. Lê Đức Viên tin tưởng thông qua Hội thảo sẽ kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý để cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới, chuyên sâu, liên ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp và công nghiệp chế biến nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Quang Hải