HỘI THẢO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TIẾN TIẾN TRONG KHAI THÁC VÀ BẢO QUẢN HẢI SẢN ĐÁNH BẮT XA BỜ TẠI ĐÀ NẴNG

Những năm gần đây công nghệ hiện đại, tiên tiến đã được đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy, tạo ra những giá trị rõ rệt cho ngành đánh bắt thủy hải sản. Tại TP Đà Nẵng, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản hải sản đã đạt một số hiệu quả tích cực.

Để giúp ngư dân tiếp cận được chính sách của Thành phố, các công nghệ tiên tiến trong khai thác và đánh bắt thủy hải sản, sáng ngày 25 tháng 7 năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Khuyên Ngư Nông Lâm tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ” nhằm phổ biến đến các ngư dân tính hiệu quả của việc ứng dụng các công nghệ mới trong đánh bắt và bảo quản hải sản.

Bà Vũ Thị Bích Hậu – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội thảo

Đến tham dự hội thảo, về phía Lãnh đạo Sở có bà Vũ Thị Bích Hậu – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ; về phía Trung Tâm Khuyến Ngư Nông Lâm Thành Phố Đà Nẵng có Bà Ngô Thị Kim Cương - Phó Giám Đốc Trung Tâm; về phía đại biểu và khách mời có Ông Dương Trung - Đại diện Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông; Ông Nguyễn Thanh Trí – P. Trưởng phòng tiết kiệm năng lượng -  Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng và gần 60 hộ ngư dân trên địa bàn thành phố đến tham dự.

          Lấy mục tiêu đưa ngành thủy hải sản làm nền kinh tế mũi nhọn, những năm qua, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng góp phần thành công của ngành thủy sản đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá khá hoàn thiện, bao gồm âu thuyền tránh trú bão, cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang… Trong năm qua kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt khoảng 100 triệu USD/năm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế biển ngày càng phát triển. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng, tổng số lượng tàu thuyền đến tháng 12 năm 2018 là 1.254 chiếc (không kể thúng chai lắp máy), tổng công suất 376.267CV với sản lượng khai thác đạt 37.595 tấn. Thể hiện rõ trên cơ cấu nghề khai thác có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực, giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới rê cước, rê chuồn, lưới vây). Cơ cấu nghề khai thác cũng phân bố hợp lý theo từng vùng khai thác (vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi). Tổng sản lượng khai thác hải sản của thành phố hàng năm không có chênh lệch lớn, dao động từ 38.500 - 43.000 tấn với tổng giá trị từ 1.500 tỷ đến 1.750 tỷ. Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, nếu như năm 2010 bình quân 01 tấn hải sản có giá là 20.662.000 đ/tấn thì đến năm 2018 đã tăng lên 51.442.000đ/tấn, tăng 30.780.000đ/tấn (150%). Điều này chứng tỏ ngư dân đã có sự quan tâm đầu tư chuyển đổi nghề khai thác có chọn lọc, khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế, nhận thức của ngư dân về bảo quản sản phẩm được nâng cao, cùng với việc đầu mối hải sản đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm (giá bán tại chợ tăng từ 10.000-20.000/kg so với bán cân xô cho chủ nậu)nên giá trị của sản phẩm khai thác được cải thiện đáng kể.

          Để có được những thành tựu đáng kể trên, ngư dân Đà Nẵng đã được UBND Thành phố chuyển giao, trang bị nhiều ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân. Các công nghệ mới (máy dò ngang, máy thu câu, máy nhận dạng tự động (AIS), máy thông tin liên lạc tầm xa, công nghệ bảo quản sản phẩm mới,…) đã mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần tạo điều kiện cho ngư dân chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Nhà Nước, góp phần ổn định việc làm và đời sống cho ngư dân của thành phố. Giảm thiểu sức lao động cho thuyền viên, giảm rủi ro cho tàu thuyền khi hoạt động trên biển, tránh đâm, va đập.

          Tại buổi hội thảo, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông mang đến một số sản phẩm đèn LED có công suất lớn nhằm mục đích cung cấp hệ thống đèn LED chất lượng cao, tiết kiệm điện và thân thiện môi trường để phục vụ đánh bắt hải sản, thay thế hệ thống chiếu sáng cũ. Ông Dương Trung - Đại diện Công ty Rạng Đông cho biết, hiện có khoảng 1.100 tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 90CV trở lên, trong đó có hơn 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Thời gian qua, một số tàu câu cá ngừ đại dương truyền thống của Đà Nẵng đã chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng. Để đánh bắt hiệu quả, mỗi tàu câu sử dụng từ 10 đến 20 bóng đèn công suất lớn khoảng 1.000w/bóng để dẫn dụ cá ngừ.


Ông Dương Trung - Đại diện Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ ứng dụng công nghệ đèn Led 

trong việc đánh bắt hải sản

Một số đèn Led công suất lớn được trưng bày tại hội thảo

Hội thảo lần này đã được đánh giá là chương trình thiết thực và mang tính hiệu quả, gần gũi với người dân, các hộ ngư dân đã mạnh dạn đóng góp rất nhiều ý kiến. Theo bà Lệ Mỹ Dung, ở Phường An Hải Tây, Quận Sơn Trà: Từ trước đến nay, các chính sách của thành phố về hỗ trợ công nghệ tiên tiến trong đánh bắt và bảo quản hải sản bà nghe đến rất nhiều, nhưng chỉ qua tivi, báo, đài chưa được tiếp cận đến, lần này bà được mời đến tham dự và biết rõ hơn về các chính sách và một số công nghệ rất bổ ích cho việc đánh bắt. Bà mong muốn UBND thành phố và Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ và giới thiệu cho ngư dân vùng biển được biết rõ hơn.

Bà Lệ Mỹ Dung, ở Phường An Hải Tây, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng chia sẻ ý kiến tại hội thảo

Theo ông Đặng Duy Hải – Chuyên viên Chi Cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, tại Nghị định 17 của Chính phủ về việc ngư dân đóng tàu mới sẽ được hỗ trợ các chính sách như:

Đầu tư 100% kinh phí từ Ngân sách trung ương xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu;

- Ngư dân đóng tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu;

- Hỗ trợ 100% đóng các thiết bị giám sát hành trình (bắt buộc đối với các tàu đóng mới);

- Hỗ trợ 50% đóng các thiết bị bảo quản lạnh;

- Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.

- Khuyến khích các tàu sử dụng bóng đèn Led để tiết kiệm nhiên liệu;…

Từ hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào đánh bắt hải sản xa bờ, thời gian tới nhiều ngư dân sẽ đầu tư ứng dụng các thiết bị mới và hiện đại vào sản xuất. Hiện nay, các thiết bị dò cá, máy định vị vệ tinh, bộ đàm…đã được tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đầu tư, nhưng với hệ thống đèn LED thế hệ mới thì nhiều tàu vẫn chưa áp dụng. Mức đầu tư hệ thống đèn LED không nhiều so với tổng vốn đầu tư của tàu đánh bắt xa bờ nhưng nó quyết định nhiều đến năng suất đánh bắt và chi phí sản xuất. Vì thế, các tàu đánh bắt xa bờ cần quan tâm đầu tư thay đổi hệ thống chiếu sáng trên tàu bằng các thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

                                                                                                                                                                                             Xuân Bình