Huy động tối đa nguồn nhân lực tại chỗ để xây dựng khu công nghệ cao

(ĐNĐT) - Không nhất thiết Khu công nghệ cao (CNC) phải nằm trên khu đất rộng hàng trăm ha, với tường cao bao bọc xung quanh và trong đó quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao hoạt động

Giáo sư Jan Annesterd phát biểu tại hội thảo.

Kinh nghiệm từ các nước thành công trên thế giới cho thấy, ở các Khu CNC, ranh giới hành chánh chỉ mang tính tuợng trưng, nhưng tính hợp tác-tương tác để làm sao biến một ý tưởng thành một đề tài nghiên cứu và sau đó triển khai vào cụôc sống mới đích thực đặc tính mang tính chủ đạo tại các Khu CNC…

Đó chính là nội dung mà trong hai tiếng đồng hồ, Giáo sư Jan Annesterd đến từ Đại học Kinh tế Copenhagen (Đan Mạch) phát biểu tại Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế và những gợi suy cho việc xây dựng và phát triển Khu CNC Đà Nẵng” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học & Công nghệ tổ chức ngày 12-9 tại Đà Nẵng.

Nhiều mô hình để tham khảo

    Theo Giáo sư Jan Annesterd, Đà Nẵng có rất nhiều mô hình thành công trên thế giới để tham khảo, bao gồm cả các nước thuộc châu Âu và gần đây là Trung Quốc.
Ví dụ Lund của Thuỵ Điển, vốn chỉ là một thành phố nhỏ với quy mô dân số tương đương một trăm ngàn người, thế nhưng chính tại đây có Khu CNC thành công và được nhiều quốc gia trên thế giới đến tìm hiểu và học tập. Với chủ truơng tận dụng triệt để nguồn lực tại chỗ là các trường đại học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu…, lãnh đạo thành phố đã đứng ra làm cầu nối để các đơn vị này hợp tác phát triển CNC. Bên cạnh việc xây dưng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu, triển khai, thành phố còn sử dụng triệt để các phòng thí nghiệm của các trường đại học, bệnh viện, các doanh nghiệp. Tất cả điều đó giúp mọi người nếu có ý tưởng đều có thế bắt tay nghiên cứu và triển khai vào cuộc sống. Kết quả là tại thành phố nhỏ này, mỗi năm số lượng các công trình nghiên cứu được ứng dụng tuơng đương với thành phố Thượng Hải của Trung Quốc với dân số 17 triệu dân.

Những thành công này đã được chính quyền thành phố Thành Đô (Trung Quốc) áp dụng rất thành công, và hiện nay, Khu CNC Thành Đô đã trở thành một trong những điển hình để nhiều địa phương khác áp dụng. Theo Giáo sư Jan Annesterd, Đà Nẵng cũng nên đi theo hướng này sẽ tiết kiệm được thời gian lẫn tiền của. Đặc biệt, Đà Nẵng nên chủ động phối hợp với thành phố Huế và tỉnh Quảng Nam để hình thành nên hành lang tri thức, trong đó Đà Nẵng là hạt nhân, như vậy Khu CNC Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều nguồn lực mạnh.

Huy động tối đa nguồn nhân lực tại chỗ
Tuy nhiên, Giáo sư Jan Annesterd cũng lưu ý, không phải nói Khu CNC là tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, mà còn chú ý đến vấn đề chất lượng cuộc sống tại địa phương cũng như xác định được hướng đi có tính chất bền vững thì mới đem lại sự thành công trọn vẹn.

Phối cảnh Khu công nghệ cao Đà Nẵng.


Rất ủng hộ với quan điểm này, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học & Công nghệ cho rằng, hiện nay tại Việt Nam, rất nhiều địa phương vẫn chưa hiểu hết Khu CNC là gì, chính vì vậy mới có hiện tượng rất nhiều tỉnh thành bắt tay xây dựng Khu CNC cho địa phương mình nhưng thực chất đây chỉ là những khu công nghiệp mà thôi. Việc Đà Nẵng tổ chức hội thảo và mời chuyên gia có trình độ lẫn kinh nghiệm trên lĩnh vực này để góp ý cho mình là cách làm hết sức đúng đắn. Cũng theo Tiến sĩ Ca, Đà Nẵng nên phát huy lợi thế của mình về địa lý, giao thông, môi truờng, bên cạnh huy động tối đa nguồn lực tại chỗ như Đại học Đà Nẵng, Đại học FPT và sắp đến là Đại học Quốc tế cùng những trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp để xây dựng và phát triển Khu CNC cho mình là rất thuận lợi.

Đặc biệt, Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm từ những hạn chế của hai Khu CNC trong nước là Hòa Lạc và thành phố Hồ Chí Minh để tránh sai sót không đáng có. Đó là chọn vị trí xây dựng chưa thực sự thuận lợi cho các đối tác, chưa thu hút được nguồn lực rất lớn tại chỗ, chưa tạo nên sự gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất với đầu ra hàng hoá.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cảm ơn những phát biểu rất bổ ích của các nhà khoa học trong việc giúp Đà Nẵng tìm ra hướng đi một cách đúng đắn để phát huy hiệu quả, nhất là hướng đi một Khu CNC mở, có tính liên kết là một ý tưởng rất hay và rất phù hợp với điều kiện và lợi thế của Đà Nẵng. Ông Chiến nhấn mạnh, Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện cũng như quyết tâm xây dựng thành công Khu CNC để làm động lực cho kinh tế-xã hội thành phố phát triển trong thời gian đến.

Trần Luân Sơn
Nguồn: Báo Đà Nẵng