Kinh tế Việt Nam có lý do để lạc quan

Kinh tế Việt Nam có lý do để lạc quan

 

Cuộc họp không chính thức của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc vào sáng 6/6 tại Sa Pa, với cam kết của cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới và trong nước bất ổn.

Các đại biểu cho rằng, thách thức trước mắt của Việt Nam là cần thực hiện kiên quyết và chắc chắn những biện pháp mà Chính phủ công bố gần đây nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Ông Ben Bingham, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý Chính phủ cần đối phó với dấu hiệu cho thấy các chỉ số kinh tế đang yếu đi, bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

“Các nhà tài trợ cảm nhận được sự khích lệ khi nghe những ý kiến phát biểu của Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, trong đó nêu rõ những thách thức kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt và chiến lược chính sách toàn diện để giải quyết những khó khăn này.

Ưu tiên hiện nay là phải biến chiến lược này thành một gói chính sách cụ thể có tính thuyết phục cao để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Bingham nhận định.

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi hoàn toàn ủng hộ gói giải pháp 8 điểm của Thủ tướng để giải quyết các khó khăn kinh tế hiện tại.

Ông nói: “Các nhà tài trợ tin tưởng mạnh mẽ rằng đây là thời điểm Chính phủ cần hành động nhanh, rõ ràng và quyết đoán trong việc thực hiện các chương trình hành động đã đề ra cũng như đưa ra định hướng phát triển rõ ràng cho các nhà đầu tư nói riêng và công chúng Việt Nam nói chung”.

Phát biểu tại diễn đàn, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, ông John Hendra lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không được bỏ quên những người dân nghèo trong thời điểm khó khăn hiện nay.

“Các nhà tài trợ hoàn toàn ủng hộ quyết định của Chính phủ ưu tiên đấu tranh chống lạm phát, nhằm giúp cho những người vừa thoát khỏi tình trạng nghèo đói không bị tái nghèo. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người nghèo trong thời điểm lạm phát tăng cao”.

“Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ trong việc kiềm chế chi tiêu công. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng và đảm bảo tiếp tục đầu tư xã hội nhằm duy trì mạng lưới an sinh xã hội cho người dân”, Công sứ của Sứ quán Nhật Bản, ông Daisuke Matsunaga nhấn mạnh khi nói về việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra tín hiệu đúng về ưu tiên ổn định nền kinh tế.

Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, thay mặt các đại biểu, ông James Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đồng chủ tọa hội nghị, đánh giá cao các phiên thảo luận tích cực giữa Chính phủ và các nhà tài trợ.

Ông James Adams nói: “Cuộc thảo luận này phản ánh thái độ lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam, mặc dù cần có những hành động để giải quyết những thử thách trước mắt”.

(theo dan tri)