'Mỏ khoét' thời web 2.0

Giới bàn giấy gọi thời điểm 4h chiều là giờ "sôi bụng ngót dạ". Cứ đến tầm này, nhiều chị em bồn chồn đứng ngồi không yên, đi ra đi vào với cùng một câu kêu ca: "đói", "thèm ăn"...
 

Có mạng là có tất!
 
Mô tả ảnh.
Chỉ cần máy tính và kết nối Internet, bạn đã có thể thỏa mãn dạ dày của mình. (Nguồn: Air Yakiniku).  

Thế nhưng chẳng lẽ cả hội lại rủ nhau "rút êm" khỏi văn phòng để chạy ra ngoài lê la chốn quán chợ, kể cả khi sếp có dễ tính đến mấy đi chăng nữa? Đó là chưa kể đến việc họ đang làm việc ở một khu chỉ toàn cao ốc văn phòng hoặc "đồng không mông quạnh", bói khắp nơi cũng không có lấy một quán xá vỉa hè nào "ăn được" chứ đừng nói là ăn ngon.
 
Nếu là trước kia, cái sự "ham muốn ăn uống" của các "mỏ khoét" thôi đành tạm gác lại vì điều kiện thực tế không cho phép. Nhưng cùng với sự nở rộ của Internet và các mạng xã hội ảo, các diễn đàn và hình thức kinh doanh qua mạng tự phát, "bà chị ruột" của giới văn phòng vẫn được chiều chuộng hết lòng như ai.
 
Thậm chí để phục vụ nhu cầu ẩm thực của dân văn phòng, nhiều mặt hàng, dịch vụ kinh doanh mới toanh đã ra đời, nhờ vào sự nhạy bén của các "tiểu thương" lẫn ý kiến đặt hàng mang tính "trí tuệ cao" của các chị em công sở.
"Tất cả những gì bạn cần chỉ là ngồi vào máy tính, truy cập vào một website hoặc một diễn đàn quen thuộc, chọn món trong vô số hàng quán đang mọc lên trên web. Thế rồi đặt hàng thẳng trên topic, hoặc là nhấc máy gọi điện đặt hàng. Đôi khi đơn giản chẳng cần trao đổi bằng lời, một tin nhắn SMS đã đủ để vụ "giao dịch" tiến hành êm thấm và gọn gàng", chị Nguyệt (Láng Hạ, Hà Nội) rủ rỉ.
 
Từ những món mặn lót dạ như nem chua rán, bánh bột lọc, bánh nậm, nộm... cho đến hằng hà sa số đồ ngọt như caramel, chè Thái, sương sa, thạch dừa xiêm, sữa tươi Mộc Châu cũng đều có dịch vụ giao hàng tận nơi. Bạn thèm ăn bánh cuốn ư? Sẽ có dịch vụ giao bánh cuốn Thanh Trì từ chính... người trong làng, với phí vận chuyển chỉ từ 10.000-15.000VND.
 
Mê mẩn món ốc luộc vừa giòn vừa nóng, chấm vào bát nước chấm vừa cay vừa thơm mùi gừng xả ư? Cũng chỉ cần một cuộc điện thoại, một dòng đặt hàng hoặc một câu chat với chủ cửa hàng, thế là chỉ nửa tiếng sau, bạn đã có thể thưởng thức ốc nóng ngay giữa văn phòng.
 
"Ốc rất sạch, nước chấm pha cũng ngon. Tất nhiên là không thể bằng đi ăn trực tiếp ngoài hàng được vì không thể xin thêm nước ốc rồi thì gừng, sả, ớt.. Ốc cũng không nóng hôi hổi, vừa thổi vừa xoa được. Nhưng thay vì phải phóng xe lên tận quán ruột ở trên phố, cả hội vẫn có thể "bù khú" với nhau ngay ở công ty", chị Nguyệt nói thêm.

 
Hội "ọp"
 
Không riêng gì chị, văn phòng của chị còn có khá nhiều chị em khác mê ăn vặt. Họ lập thành một hội "mỏ khoét" chuyên môn kéo nhau đi ăn "hội đồng" cho vui. Mỗi một tuần, các "nường" lại lượn vào những diễn đàn quen như TTVN, Tathy, lamchame, webtretho để tìm món mới, địa chỉ mới. Sau đó, họ sắp xếp một ngày đi "đánh chén".
 
Mỗi khi được giới thiệu một địa chỉ quán mới, nhóm của chị lại vào mạng xem mọi người đánh giá, khen chê về quán như thế nào. Họ có thể post lên diễn đàn những câu hỏi như: Món độc của nhà hàng ấy là món gì? Ngân sách áng chừng tầm bao nhiêu một người? Phục vụ có tốt hay không? Trong trường hợp không thấy bóng dáng của quán mới xuất hiện trên diễn đàn, một thành viên có vai trò "thẩm định viên" sẽ phải làm thao tác thủ công hơn là Google thông tin về nhà hàng trên web.
 
"Đúng là công nghệ muôn năm. Cứ lên mạng tìm kiếm là chẳng có gì không thể tìm thấy cả. Giả sử đến Google mà cũng bó tay, không nhắc đến quán đó một dòng nào thì chúng tôi thôi không làm "chuột bạch" nữa. Chuyển sang chọn quán khác".
 
Đi ăn uống hội hè trong thời buổi thóc cao gạo kém, giới văn phòng buộc phải săn lùng những chương trình khuyến mại, giảm giá để tiết kiệm cho túi tiền của mình. Chả thế mà những topic kiểu như "cập nhật các địa chỉ khuyến mại" hoặc "Hot! Hot! Nhà hàng X,Y,Z đang có khuyến mại đi 3 tính tiền 2" cứ đông người đọc như tôm tươi.


Nhiều "mỏ khoét" còn chịu khó đăng ký newsletter (bản tin) với các nhà hàng, khách sạn ruột để khi những địa chỉ này có chương trình khuyến mại nào mới, họ sẽ được thông báo trước tiên, bằng cả đường mail lẫn tin nhắn.
 
1h30 chiều một ngày thứ ba, chị Thu (Yên Phụ, Hà Nội) post một thông báo trên tài khoản Facebook. "No chết mất thôi. Buffet muôn năm". Hỏi ra mới rõ, chị vừa cùng bạn bè đi "ọp" (tiếng lóng để chỉ hoạt động offline của các thành viên diễn đàn) và địa điểm đập phá là nhà hàng buffet của một khách sạn 5* trên đường Xuân Diệu.
 
Bình thường, mỗi suất ăn ở đây lên đến gần 500.000VND. Tuy nhiên, thông qua Webtretho, chị Thu biết tin khách sạn đang có khuyến mại "đi 2 tính tiền 1". Tính ra chỉ mất 250.000 VND/người mà vẫn có thể thưởng thức các món đặc sản như hàu sống, sushi, sashimi, tôm nướng, cừu nướng... do đầu bếp 5* chế biến, Thu lập tức hô hào các chị em trong Hội Chuột vàng trên một diễn đàn khác đi "ọp".
 
"Nhiều người nghe cũng mê nhưng bảo bước chân một mình vào khách sạn xịn thì cũng ngại. Thế nên kéo nhau đi đông như vậy, ăn vừa vui, vừa được hưởng khuyến mãi lại vừa đỡ bỡ ngỡ. Thật đúng là tiện đủ đường. Chỉ có điều khi rủ rê nhau đi, chúng tôi toàn phải tính toán sao cho chẵn số người được khuyến mại thôi. Thừa ra một hai người là cả hội lại phải cố câu kéo thêm người quen nơi khác cho đủ", chị Thu chia sẻ với bí quyết "đi ọp".
"Bản sắc" mỏ khoét
 
Tỏ vẻ đầy kinh nghiệm, chị Thu cho biết đợt này, rất nhiều khách sạn đang áp dụng khuyến mãi để thu hút khách. Nơi thì dimsum đi 3 miễn phí 1, nơi thì tiệc trưa đi 4 tính tiền 3. Có nơi lại áp dụng một "Ngày đặc biệt siêu rẻ" trong tuần, khi giá buffet chỉ bằng 2/3 so với ngày thường.
 
"Chỉ cần nhấp chuột vào mục tin tức khuyến mãi trên các website giải trí hoặc báo điện tử là bạn có thể tìm thấy vô khối những thông tin kiểu này". Hội mỏ khoét của chị vì thế cũng sôi nổi, dập dìu hẹn hò hết lượt này đến lượt khác.
 
Không hoành tráng "Buffet khách sạn" như hội chị Thu, hội quán ăn vặt của bạn Phương (Trần Quốc Toản, Hà Nội) lại thường tụ tập, la cà ở quán xá vỉa hè bình dân, rẻ tiền hơn như bò nướng, chân gà nướng, nem chua rán....
 

Mô tả ảnh.
... hoặc cải thiện khả năng nội trợ bằng các video dạy nấu ăn. Nguồn: DienDanAmThuc

Quen nhau và lập hội từ Tiểu diễn đàn Ẩm thực của TTVN, nhóm của Phương gồm hơn một chục thành viên, có cùng sở thích "thấy đâu ngon là mò tới", bất kể xa gần. Nhớ lần đầu "ọp ẹp", cả hội còn chưa ai biết ai, đến nơi còn phải gọi nhau, nhận nhau bằng nick trên diễn đàn. Nhưng giờ đây, họ đã gắn bó như người một nhà.
 
Tuần nào cả hội cũng có một buổi đánh chén ngoài quán và tháng nào cũng có một buổi tụ tập ở nhà một thành viên. Mọi người tự vào bếp nấu, công thức món mới được lấy trên mạng, từ những diễn đàn như Muivi, VNnavi, AmThucVietNam... cho đến các trang ẩm thực nước ngoài.
 
"Bây giờ rất nhiều website còn upload cả video hướng dẫn cách chế biến món ăn. Với hội "mỏ khoét" chúng tôi, đây đúng là mỏ vàng vì học bằng nhìn bao giờ cũng dễ dàng và nhanh nhất. Có lần cả hội vừa xem clip làm bánh pizza vừa nuốt nước miếng ừng ực", Phương hào hứng kể lại.
 
Facebook của người khác thì toàn chơi game nông dân, trồng vườn, làm quiz... nhưng Facebook của hội "mỏ khoét" thì toàn hình ảnh món ăn, thức uống. Album ảnh mới nhất của các thành viên toàn dành để trưng những món đặc sản họ vừa nếm hoặc những món ăn họ vừa vào bếp chế biến.
 
Các địa chỉ quán xá cũng được cập nhật thường xuyên kèm theo giá tiền để các thành viên tham khảo. Quà vui tặng nhau trên Facebook không phải quần áo, giày dép, ô tô như những "Facebook-er" khác mà toàn là cocktail, pizza, sushi... Phương vừa khoe vừa tỏ vẻ tự hào về "bản sắc" này của hội "mỏ khoét".
 
 Ăn "ảo"

Ngoài công thức nấu ăn, video hướng dẫn vào bếp, nhiều diễn đàn ẩm thực luôn dành một phần đất trang trọng cho việc đánh giá, bình phẩm, giới thiệu quán xá các vùng miền. Chị Nguyệt cho biết chị thường xuyên vào đọc mục này để nắm được tình hình "ẩm thực" mới nhất, quán nào ngon, quán nào dở, quán nào xuống cấp, quán nào phục vụ tệ, giá cả thì chặt chém.
Cứ thế, chị copy rồi lập thành một file hồ sơ "Ẩm thực cả nước". Cứ chuẩn bị đi du lịch, công tác đến vùng nào, chị lại mở "cẩm nang" của mình ra, xác định trước sẽ phải phi đến những nhà hàng nào để biết mặt điểm tên đặc sản "ngon bổ rẻ" của nơi đó. Đồng thời, chị cũng ghi nhớ cả những địa chỉ có trong sổ đen để tránh xa.
 
Sự phát triển mang tính bùng nổ của công nghệ đã mang đến cho người dùng vô vàn trải nghiệm chưa từng có trong tiền lệ. Internet đã trở nên quá phổ biến và đi vào đời sống một cách sâu, rộng tới mức người ta tưởng như nó là một phần tất yếu, một thứ đương-nhiên-phải-thế chứ chẳng còn cao xa, to tát gì nữa. Thế nên ngoài chuyện làm việc Internet, thư giãn Internet, giờ đến ăn uống, làm đẹp cũng... Internet nốt.
 

Mô tả ảnh.
Món thịt nướng "ảo". (Nguồn: Air Yakiniku)

Chợt nhớ đến một câu chuyện thú vị tại Nhật Bản, đất nước Đông Á có trình độ công nghệ đã đạt tới mức chót vót và niềm đam mê dành cho ẩm thực cũng chẳng kém phần "bốc lửa" so với người dùng Việt Nam. Một website có tên Air Yakiniku vừa mới khai trương và ngay lập tức gây sốc, bởi đó là nhà hàng ảo đầu tiên trên thế giới.
 
Air Yakiniku không có đầu bếp cũng chẳng có nhân viên giao hàng. Thực khách "ghé quán" cũng chẳng phải trả một đồng nào. Và vì nhà hàng chuyên bán thịt nướng kiểu Hàn nên tất cả những gì bạn cần chỉ là một chiếc máy tính, một chén cơm, một đôi đũa là xong.
Khi truy cập vào website, bạn sẽ thấy một chiếc lò nướng xuất hiện trên màn hình. Nhờ sử dụng các công nghệ tái tạo đồ họa hết sức hiện đại, bạn sẽ cảm tưởng như mình đang ngồi trước bếp lò thật, cũng hí húi chọn món (các loại thịt) để đưa lên nướng. Thế rồi than hồng rực lên, khói bốc nghi ngút, thịt nướng bắt đầu săn lại, xèo xèo mỡ khiến cho người dùng chỉ có thể nuốt khan thèm muốn.
 
Ý tưởng "độc chiêu" này đã giúp Air Yakiniku ngay lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đây hiện là một trong những website được tìm kiếm nhiều nhất trên Google và Yahoo. Vậy đấy, trong kỷ nguyên web 2.0, bạn hoàn toàn có thể thỏa mãn dạ dày của mình bằng... máy tính và mạng Internet.

  • Trọng Cầm  - Nguồn: Vietnamnet