Sẽ khống chế các tập đoàn đầu tư vào chỗ "nhạy cảm"

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, dù ông từng trả lời chất vấn tại thường vụ QH cách đây chưa lâu.

Sẽ khống chế tỉ lệ đầu tư ra bên ngoài

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt thẳng trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lí vốn của các tập đoàn, nhất là làm sao để đầu tư đúng hướng, vì lợi ích của đất nước, thay vì lợi ích của các đơn vị này?

Ông Ninh trấn an, theo số liệu Bộ nắm được, việc đầu tư của các tập đoàn vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng chưa đến mức nguy hiểm.

Hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định 199 về việc quản lí về việc quản lí các tập đoàn, Tổng công ty theo đó sẽ khống chế tỉ lệ đầu tư ra bên ngoài, trong đó có tỉ lệ đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Đặc biệt, sẽ cấm đầu tư vào một số lĩnh vực như quĩ đầu tư quĩ chứng khoán, quĩ đầu tư mạo hiểm, nếu đã đầu tư sẽ phải rút về.

“Đã đầu tư vào rồi, liệu việc Chính phủ chỉ đạo rút về có khả thi không?”, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) tỏ ra nghi ngờ.

Ông Ninh đáp lại, khi đã đặt ra vấn đề khống chế sẽ thực hiện trong phạm vi được khống chế. “Chúng tôi tin việc này là làm được, trong tầm tay của Chính phủ”, ông Ninh khẳng định. Thậm chí, theo ông Ninh, với số đã mua có thể bán lại.

Vẫn vấn đề chứng khoán tiếp tục được đại biểu Đặng Duy Lợi (Cà Mau) đeo đuổi những có chút chuyển hướng: “Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bỏ tiền mua bao nhiêu chứng khoán, lỗ lãi bao nhiêu và mục đích là để làm gì?”.

Ông Ninh đáp lại, SCIC có chức năng kinh doanh vốn, kinh doanh tài chính nên việc tham gia thị trường chứng khoán là phù hợp. Khi thị trường chứng khoán đang đi xuống, nhiều cổ phiếu thấp hơn giá trị thật thì SCIC đã tham gia mua với hai mục đích: mua cổ phiếu của những công ty mà SCIC có góp vốn để giữ giá của chính mình; tham gia bình ổn tâm lí của nhà đầu tư.

Về lỗ lãi, theo ông Ninh thị trường lúc đi lên lúc đi xuống nên rất khó tính được lỗ lãi, chỉ khi bán đi mới tính được cụ thể. Về số liệu đã đầu tư, ông Ninh cho rằng, về nguyên tắc đây là vấn đề tuyệt mật, không thể công bố. Chưa kể, tình hình hiện nay, nếu công bố sẽ không tốt cho thị trường.

Không biết trả lời cử tri thế nào

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, giá ô tô của ta vào loại đắt nhất trên thế giới. Trước đây, Bộ trưởng Tài chính từng nói, không thể hi sinh mãi quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng gần đây Chính phủ lại thực hiện nâng thuế nhập khẩu.

Lí do Bộ đưa ra là chống nhập siêu và giảm ách tắc giao thông nhưng ở các vùng nông thôn, không ách tắc cũng phải chịu mức giá cao ngất. Ai được hưởng lợi từ chính sách như vậy?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân trần, theo cam kết WTO, 2007 chúng ta thực hiện giảm thuế nhập khẩu ô tô. Tuy nhiên, năm 2008 lạm phát tăng cao, mặc dù ô tô không phải chiếm kim ngạch nhập khẩu lớn, nhưng vẫn là mặt hàng không khuyến khích nên Chính phủ đã tăng thuế.

Ông Ninh thừa nhận, giá xe ở ta đắt, nhưng nếu so sánh với nước khác, chẳng hạn Singapore thì cộng cả chi phí lăn bánh, xe của họ vẫn cao hơn ta. Thêm nữa, số người sử dụng ô tô của ta chỉ chiếm 1%, người đi xe cũng chỉ là người giàu, cho nên phải điều tiết…

Đại biểu Xuân chưa hài lòng vì theo ông, nhiều doanh nghiệp đóng ở nông thôn cũng sử dụng xe đi lại và họ phải chịu giá cao. Về mức phí ở Singapore cao nhưng khoản đó nhà nước được hưởng, trong ở ta, lợi nhuận của các doang nhiệp ô tô ở ta lại được chuyển về các công ty mẹ ở các nước.

Ông Ninh lí giải, việc điều chỉnh thuế vừa rồi áp dụng với các loại ô tô du lịch từ 12 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh thuế ô tô tải nên không ảnh hưởng đến người sử dụng xe ở nông thôn! Cũng theo ông Ninh, việc điều chỉnh thuế vừa qua áp dụng cả với linh kiện nhập, không chỉ ô tô nguyên chiếc nên cũng tác động tới các doanh nghiệp trong nước. 

Liên quan đến cơ chế điều hành vốn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) nêu một ví dụ ở địa phương, có một cây cầu vượt lũ người dân phải sử dụng “nhờ” của Bộ Quốc phòng đã nhiều năm, gần sập đến nơi.

 

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải thì trao đổi, với cơ chế điều hành hiện nay thì cây cầu có sập, Bộ cũng đành bó tay vì còn phải chờ vốn. Ông Phúc yêu cầu Bộ trưởng Tài chính làm rõ cơ chế điều hành vốn hiện tại.

Ông Ninh tỏ ý chia sẻ, nguồn vốn của chúng ta hiện quá ít so với nhu cầu nên người đầu tư phải lựa chọn để quyết định cấp vốn cho việc nào cần ưu tiên trước. Bộ trưởng Tài chính cũng khẳng định, cơ chế chính sách điều hành khá đầy đủ, đồng bộ còn việc thiếu vốn thì chỉ có thể khắc phục bằng cách tìm nguồn vốn bổ sung thêm.

Vẫn chưa “thông”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc tiếp tục “tấn công”: Cử tri đọc báo thì thấy thông tin vốn dư thừa mà ở địa phương, nhìn cây cầu sập đến nơi mà vẫn không có vốn, đơn vị điều hành vướng chỗ nào. Ông Phúc rất bức xúc vì “không biết trả lời thế nào câu hỏi của cử tri”.

Bộ trưởng Tài chính “đẩy” thẳng, vấn đề đầu tư ở những cây cầu cụ thể, trường hợp cụ thể là thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư. “Tôi nghĩ câu chuyện ở đây là thiếu vốn chứ không phải vướng cơ chế gì” - ông Ninh hạ giọng kết lại phần trả lời của mình.    

                                                                   (Theo dantri.com.vn)