Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Bước đột phá về nhận thức, tư duy xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

Trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, việc nhận thức đúng thực tiễn khách quan, vận động xã hội, nắm bắt tư duy thời đại để từ đó có các chiến lược, mục tiêu và giải pháp phát triển thành phố Đà Nẵng phù hợp là hết sức quan trọng. Bài viết này, xin góp phần làm rõ hơn luận điểm về về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình nhận thức và tư duy mới mang tính đột phá để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới.


Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, đã phê chuẩn việc tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Theo đó, Thành phố Đà Nẵng chính thức trực thuộc Trung ương từ 01 tháng 01 năm 1997, kể từ đó đến nay, thành phố Đà Nẵng không ngừng vươn lên đóng vai trò là thành phố động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong 25 năm qua, thành phố đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố. Thành tựu mà thành phố Đà Nẵng đạt được đó là nhờ vào chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

 

Đối với Trung ương, nổi bật nhất trong thời gian qua đã có 02 Nghị quyết của Bộ Chính trị về thành phố Đà Nẵng đó là Nghị quyết số 33 năm 2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá và Nghị quyết số 43 năm về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 

Trên cơ sở những Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, nhiều chủ trương chính sách được thể chế hoá nhằm xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương, trên phương diện ngành khoa học và công nghệ, bài viết này nhằm cung cấp cho quý độc giả một tư duy mới về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đó là từ tư duy phát triển truyền thống sang tư duy đổi mới sáng tạo gắn liền với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Tại Nghị quyết số 33 ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị Khóa IX đã đặt mục tiêu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.”[1].  

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 nêu trên, Bộ Chính trị Khóa XII đã đánh giá: “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,8%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, trong đó ngành Dịch vụ dẫn đầu về tỉ trọng và tốc độ tăng trưởng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao; du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế của Đà Nẵng có tăng nhưng còn nhỏ, chỉ chiếm 1,55% GDP của cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước, năng suất lao động chưa cao. Kinh tế tập thể phát triển chậm; kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn...”[2].

 

Từ đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 như đã nêu trên, Bộ Chính trị Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 43 ngày 24/01/2019 với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên” và chỉ tiêu cụ thể như: Giai đoạn 2021 - 2030: “Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 - 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 - 12,5%/năm; nông nghiệp 4 - 5%/năm. Các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn bình quân tăng trên 10%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước. Đến năm 2030: Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD; tỉ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%; cơ cấu kinh tế: Ngành dịch vụ 62 - 65%, công nghiệp và xây dựng 28 - 30%, nông nghiệp 1 - 2%; quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người; giải quyết việc làm mới hằng năm trên 3,5 vạn lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất không vượt quá 5,0 lần; người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, đặc biệt an toàn trước thiên tai; bảo đảm 100% nước thải nguy hại được xử lý; độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.”[3].

 

Bên cạnh các Nghị quyết số 33 và Nghị quyết số 43 thì Nghị quyết số 52[4] về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được thành phố triển khai gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Như vậy, có thể thấy từ tư duy, nhận thức của Nghị quyết 33 và Nghị quyết 43 đã có sự thay đổi đặc biệt là nhận thức từ “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” truyền thống sang “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nghĩa là từ công nghiệp truyền thống sang chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, từ tập trung và chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn sang khai thác tài nguyên trí tuệ, từ trạng thái kinh tế - xã hội thông thường sang thời đại kinh tế - xã hội số, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của thành phố (trên 12%/năm) phải cao hơn tốc độ bình quân của cả nước, tỉ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2% vào năm 2030… Đây là nhận thức rất mới, tư duy rất mới mang tính đột phá để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong hành trình mười đến mười lăm năm phía trước. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

 

Kinh nghiệm trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, việc xem các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn đúng đắn bởi vì các doanh nghiệp luôn tìm cách giải quyết các vấn đề, nhu cầu xã hội bằng công nghệ và mô hình kinh doanh mới, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bền vững, lan toả trên quy mô lớn, có khả năng thay đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực trong thời gian ngắn, tạo ra ngành kinh tế mới.

 

Thông điệp trên cũng được nhắc lại vào ngày 01 tháng 12 năm 2021, trong buổi làm việc với Lãnh đạo thành phố Đà nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh thành phố Đà Nẵng “cần phải đi lên bằng trí tuệ, khung trời, cửa biển, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo”.

 

Trên tinh thần của Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 52, Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 35-CTr/TU ngày 16/12/2019 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 về Phát triển công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.

 


Hình 1. Các nhà quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia toạ đàm tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Surf 2019

 

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ đối với giai đoạn phát triển mới của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới, Ngành Khoa học và Công nghệ thành phố đã không ngừng nỗ lực tham mưu các cấp lãnh đạo để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau đây gọi tắt là KN ĐMST). Đến nay, thành phố Đà Nẵng đạt được một số kết quả bước đầu trên lĩnh vực KN ĐMST như sau:

 

Thứ nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội hiểu và nhận thức đúng đắn về vai trò KN ĐMST. Từng bước nuôi dưỡng và đặt nền móng cho văn hóa KN ĐMST, thúc đẩy chuyển biến tư duy xã hội từ tư duy học để đi xin việc làm, chú trọng vào sự ổn định công việc mà chuyển sang tư duy học để sáng tạo thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Xác định KN ĐMST phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian đến.

 

Thứ hai là tập trung xây dựng hành lang pháp lý với 17 cơ chế chính sách được ban hành tạo lập môi trường thuận lợi và cơ sở pháp lý rất quan trọng để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp; hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với nhiều thành tố (06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 09 khu làm việc chung, 04 quỹ đầu tư, 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp và các doanh nghiệp KN ĐMST...), phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

 

Thứ ba là phát huy vai trò nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp KN ĐMST với tổng kinh phí hơn 2,8 tỉ đồng. Trong đó, có 02 chương trình ươm tạo, bình quân một đồng hỗ trợ của nhà nước thu hút thêm hai đồng của xã hội. Đây là hoạt động hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tác động trực tiếp và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp KN ĐMST hiện nay. Đến nay, thành phố đã có 137 dự án và trên 50 doanh nghiệp KN ĐMST được hình thành và cũng có hơn 50 sẩn phẩm dịch vụ được thương mại hóa thông qua các chương trình ươm tạo và hỗ trợ. Ngoài ra, từ năm 2018 thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhóm dự án của Đà Nẵng tham gia các cuộc thi có uy tín trong và ngoài nước về KN ĐMST. Kết quả đã có nhiều đội đạt giải cao như quán quân, á quân Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia và các giải thưởng tiêu biểu khác[5] góp phần nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm cho các dự án, doanh nghiệp KN ĐMST và kết nối với mạng lưới khởi nghiệp trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm, thu hút đầu tư.

 

Thứ tư là hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ trực thuộc Sở KH&CN và đã đi vào hoạt động. Đây là đầu mối rất quan trọng và cực kỳ cần thiết để hỗ trợ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp thành phố với mạng lưới quốc gia và quốc tế, triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

 

Thứ năm là các sự kiện khởi nghiệp được duy trì nhằm tạo ra sinh khí sôi động và sáng tạo của hệ sinh thái KN ĐMST, tiêu biểu là Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố thu hút trên 6000 lượt khách tham dự với sự tham gia của các Bộ ngành trung ương, chuyên gia, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; Phối hợp với Bộ KH&CN để tổ chức sự kiện quốc gia tại Đà Nẵng có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ Thành đoàn, Đại học Đà Nẵng, các vườn ươm tổ chức các Festial, Diễn đàn, Cuộc thi về KN ĐMST để kết nối mạng lưới, thu hút đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, luôn duy trình tổ chức Triển lãm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng thực tế ảo với gần 100 gian hàng và hàng ngàn lượt khách truy cập tham quan[6].

 

Thứ sáu là cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để phục vụ KN ĐMST từng bước được đầu tư như lồng ghép phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động KN ĐMST trong các dự án trọng lực, trọng điểm như: Đang xây dựng đề án vận hành Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó hình thành không gian đổi mới sáng tạo với tổng diện tích dự kiến là 21.892,6 m2 (gồm 3 tòa nhà: ICT1 là 7.618,8 m2, ICT2 là 4.160,0 m2, ICT3 là 10.113,2 m2). Tại đây sẽ phục vụ KN ĐMST như: như ươm tạo các dự án, doanh nghiệp KN ĐMST; hỗ trợ và cung cấp không gian làm việc chung, địa điểm kết nối khởi nghiệp, tổ chức đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp, kết nối đầu tư, thu hút chuyên gia và nhà đầu tư, triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước và thành phố về phát triển hệ sinh thái KN ĐMST. Bên cạnh đó đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, hoàn thiện phương án, quy chế hoạt động ươm tạo và đưa vào sử dụng Khu Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ tổng hợp thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng (trong năm 2021 đã ươm tạo được 03 dự án); quy hoạch không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

 

Thứ bảy là mô hình hợp tác công tư được đẩy mạnh để huy động nguồn lực xã hội phục vụ phát triển KNĐMST như hợp tác hỗ trợ Tập đoàn Vicoland hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm 200 tỉ đồng, khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực của tư nhân phục vụ ươm tạo và không gian làm việc (Vicoland, DNES, Vườn ươm Sông Hàn,...). Phối hợp với các trường đại học, Thành đoàn thúc đẩy mạnh mẽ KNĐMST trong sinh viên, thanh niên.

 

Thứ tám là hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng kết nối thêm nhiều đối tác mới như Ấn Độ, Singapore, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF)[7] làm tiền đề hợp tác sâu rộng về KN ĐMST sau đại dịch.

 

Nhìn chung, hoạt động KNĐMST đạt được kết quả tích cực được các Bộ, ngành ghi nhận và đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước; trong đó có giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng[8].

 


Hình 2. Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố và Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp

 

Qua kết quả trên cho thấy, môi trường KNĐMST khá thuận lợi, hệ sinh thái KNĐMST của thành phố tiếp tục được phát triển, từ đó đã tạo ra và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao dựa trên mô hình kinh doanh mới và giải pháp công nghệ, gọi được vốn đầu tư từ hàng trăm nghìn USD đến hàng triệu USD và có thêm sản phẩm được thương mại hóa như xe máy điện Datbike (gọi vốn được 2,6 triệu USD), ứng dụng trí tuệ nhân tạo Chatbot Hekate (gọi vốn được 0,3 triệu USD) phục vụ tổng đài 1022 của thành phố, tổng đài thông minh EM and AI (gọi vốn được 0,8 triệu USD), nền tảng thương mại Unibag, ứng dụng mua sắm Cashbag có trên 1,2 triệu lượt người dùng cài đặt sử dụng...

 

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động chuyên môn KH&CN vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Theo số liệu tính toán, năm 2020, hoạt động chuyên môn KH&CN tăng 5,80% so với năm 2019, tỷ lệ tương ứng cho năm 2021 là tăng 5.65% so với năm 2020, là ngành có điểm % đóng góp vào tăng trưởng 2021 thực tế đứng vị trí thứ 5/20 nhóm ngành kinh tế cấp 01, cơ cấu GRDP ước tính năm 2021 là 3,58% so với năm 2020 là 3,45%. Điều này cho thấy, ngành KH&CN luôn có đóng góp ổn định bền vững, tham gia vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

 

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc sống đang chuyển từ thế giới thật sang thế giới số, thế giới ảo, nguồn tài nguyên mới như dữ liệu số được xem như nhiên liệu của nền kinh tế số; nền tảng số, hạ tầng số được xem là hạ tầng của nền kinh tế tương lai; tài năng trí tuệ và sáng tạo của con người là tài sản vô giá, là tài nguyên được săn đón và cạnh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn, các quốc gia.... Để nắm bắt thời cơ và vận hội mới, thì việc phát huy vai trò của KNĐMST nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững là rất cấp thiết.

 

Nhìn lại những mô hình KNĐMST thành công như Hoa Kỳ đã từng làm với Silicon Valley, Trung Quốc với Thẩm Quyến, Hàn Quốc với Seoul, Israel được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp với Tel Aviv, thì thành phố Đà Nẵng cũng có thể làm nên câu chuyện thành công tương tự. Trước hết, cần thống nhất quan điểm xây dựng một hệ sinh thái KN ĐMST thành phố Đà Nẵng theo hướng:“Phát triển toàn diện, phát huy tối đa vai trò, chức năng của các thành tố, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hệ sinh thái, là hệ sinh thái có độ kết nối cao với các hệ sinh thái trong nước và quốc tế, lấy doanh nghiệp KNĐMST làm trung tâm của hệ sinh thái, nơi phát huy và tôn vinh tài năng khởi nghiệp, điểm đến của các quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ, tạo lập môi trường tốt làm bệ phóng cho doanh nghiệp/dự án KNĐMST phát triển nhanh và bền vững”.

 

Để làm được điều ấy, trong bối cảnh nguồn tài nguyên hữu hạn, chúng ta cần phải thống nhất về nhận thức, quyết liệt trong hành động để triển khai các giải pháp sau:

 

Một là cần sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội về việc phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xem đây là sự nghiệp của toàn dân.

 

Hai là chủ động xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái KNĐMST của thành phố và tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thí điểm, hỗ trợ nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí để thí điểm các sản phẩm, dịch vụ mới của các dự án KNĐMST. Trong đó, cho phép xây dựng Đề án/chương trình riêng và ưu tiên bố trí nguồn lực, bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII về phát triển 200 dự án KNĐMST và 100 doanh nghiệp KNĐMST thương mại hóa sản phẩm trong giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu hỗ trợ 100 doanh nghiệp KNĐMST này trở thành các nhân tố mới, đầu tàu tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng kinh tế số và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố.

 

Ba là tăng cường, ưu tiên nguồn vốn đầu tư của thành phố cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vận dụng các cơ chế, chính sách nhằm huy động các thành phần xã hội tham gia vào hoạt động đầu tư và phát triển trong lĩnh vực KH&CN. Xem xét có Nghị quyết riêng của HĐND thành phố để hoàn thiện hành lang pháp lý và bổ sung thêm nguồn ngân sách cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì đây là nhiệm vụ mới của ngành và chỉ cân đối trong nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm trong khi kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được phân bổ hàng năm là có giới hạn và phải phân bổ cho rất nhiều các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN, phát triển tài sản trí tuệ, các hoạt động quản lý nhà nước và chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp, chi lương ...Đồng thời lồng ghép hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương và Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế xã hội để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, các doanh nghiệp phát triển công nghệ có tính đột phá trên nền tảng cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuyển đổi số...Nuôi dưỡng và phát triển một số doanh nghiệp KNĐMST tiêu biểu của thành phố (thông qua các hoạt động hỗ trợ, sử dụng sản phẩm, tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội và đặt hàng giải quyết các vấn đề cho thành phố...).

 

Bốn là xem xét phê duyệt đầu tư Dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng khi điều kiện cho phép nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật để phục vụ phát triển hệ sinh thái KNĐMST và thị trường khoa học và công nghệ. Có thể khẳng định, đây là hạ tầng kỹ thuật cực kỳ quan trọng và rất cấp bách đặt nền tảng vật chất cho việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

 

Năm là nghiên cứu thí điểm Bộ chỉ số đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng theo tổ chức Startup Genome[9], phấn đấu đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng vào được nhóm 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi toàn cầu[10].

 

Sáu là tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế về KNĐMST, trong đó bên cạnh việc tiếp tục xúc tiến triển khai các Chương trình hợp tác về chính sách, chuyên gia,  chương trình kết nối thì cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi startup với các quốc gia khởi nghiệp như Hàn quốc, Singapore, Mỹ ... và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KNĐMST của thành phố được tham gia trực tiếp các chương trình kết nối, gặp gỡ của Lãnh đạo thành phố, các Sở, ngành với nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ quốc tế. Sớm tham gia Hiệp hội các Thị trưởng nói tiếng Pháp để hợp tác với mạng lưới các thành phố ở Châu Âu và trên thế giới về phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO[11].

 

Bảy là trình Chính phủ cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng toàn bộ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy đình cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế vượt trội để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó kiến nghị Trung ương cho phép Đà Nẵng được nghiên cứu để áp dụng cơ chế “đặc khu đổi mới sáng tạo”[12] hoặc thử nghiệm thí điểm các cơ chế quản lý khung pháp lý thử nghiệm (Cơ chế regulatory sandbox) tương tự như Singapore đang làm[13] để khuyến khích phát triển kinh tế số, thu hút công nghệ tài chính (fintech), ngân hàng số, chuỗi khối (blockchain), các công nghệ và mô hình kinh doanh mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 


Hình 3. Bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ký kết thoả thuận hợp tác với các đối tác tại TECHFEST 2021

 

Để làm được điều đó cần sự đồng hành vào cuộc quyết liệt, nhất quán và xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân. Nhận thức là một quá trình nhưng quá trình dài hay ngắn có thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quân và sự vận động của xã hội.

 

Trên đây là tham luận về vai trò và định hướng của KNĐMST trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong chặng đường phía trước, xin được mạnh dạn trao đổi và mong nhận được thêm các góp ý để ngành khoa học và công nghệ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đến./.

TS. Lê Đức Viên
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ